Ngày 13-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.
Tham dự còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TP.HCM, TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau.
Thủ tướng làm việc với các địa phương về 3 nội dung quan trọng
Hội nghị nhằm nắm tình hình tổ chức vận hành chính quyền địa phương hai cấp, cả về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; việc sắp xếp cán bộ làm việc tại các đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV
Cạnh đó, rà soát việc triển khai các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng tại ĐBSCL, như: hệ thống đường bộ cao tốc, hạ tầng phục vụ Hội nghị APEC 2027, các dự án cảng Cái Cui, Hòn Khoai, dự án bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ...
Hội nghị cũng rà soát việc triển khai đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng ĐBSCL, nhằm đảm bảo nguồn lúa gạo ổn định, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm ổn định đầu ra cho người nông dân, không để xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá".
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cấp ủy, chính quyền các cấp đã từng bước triển khai chắc chắn, hoàn thiện dần và đang đi vào hoạt động ổn định theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc cần phải rà soát và triển khai một cách đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nữa, để tạo sự thông thoáng và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các công trình trọng điểm vùng ĐBSCL kết nối với miền Đông Nam Bộ và quốc tế, Thủ tướng bày tỏ phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo kết quả vừa đi kiểm tra. Theo đó, nhiều dự án đang thực hiện đúng tiến độ và một số công trình vượt tiến độ đề ra, nhất là các nhóm công trình do Bộ Xây dựng đảm nhận.
Đối với dự án một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các tỉnh đã chủ động triển khai 11 mô hình và sự vào cuộc của các hợp tác xã, bà con nông dân hưởng ứng là dấu hiệu rất tích cực này.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới. Do đó, cái gì làm đầu tiên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và nhưng phải tự hào vì điều này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ với Việt Nam mà còn cả các nước đối tác trong khu vực ASEAN.
Xây dựng thương hiệu lúa, thương hiệu gạo cho Việt Nam
Thời gian tới, về hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 177 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Thi đạt danh hiệu hoa hậu một lần rồi thì đừng đi thi lần thứ hai, phải giữ cái thương hiệu đấy cho mãi mãi". Ảnh: CTV
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo rồi, nhưng tôi nhấn mạnh thêm một số việc"- người đứng đầu Chính phủ nói và lưu ý đầu tiên cần sắp xếp đầy đủ đội ngũ cán bộ ở cấp tỉnh, và nhất là cấp xã.
Thứ hai là việc chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Thứ ba, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, không được để ách tắc, không được để tiêu cực, không được để các vấn đề xảy ra.
Thứ tư, khám, chữa bệnh cho người dân phải đảm bảo không để bị đứt gãy, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh.
Thứ năm, triển khai xây dựng trường học bán trú cho các cháu học sinh tại khu vực biên giới về vùng sâu, vùng xa.
Thứ sáu, hoàn thiện hạ tầng số và đặc biệt là các nơi có điều kiện khó khăn.
Đối với các dự án trọng điểm ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương chỉ đạo theo tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão, gió”, “làm việc xuyên ngày tết, ngày nghỉ”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các công trình, dự án.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (ảnh trái) và cầu Rạch Miễu 2 (ảnh phải) là 2 trong số 13 dự án giao thông ở ĐBSCL hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: CHÂU ANH
Đối với đề án một triệu hecta lúa phát thải thấp và chất lượng cao, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thiện quy hoạch cụ thể cho từng tỉnh trong quý III-2025. Đồng thời, phải xây dựng thương hiệu lúa, thương hiệu gạo cho Việt Nam.
“Ngoài gạo ST25 ra, còn thương hiệu gì nữa, chúng ta phải phát huy hết. Mình đã thi đạt danh hiệu hoa hậu một lần rồi thì đừng mang đi thi lần thứ hai, phải giữ thương hiệu đấy cho mãi mãi. Đề nghị phải lưu ý vấn đề này, tức là mình đã thành hoa hậu rồi, phải giữ cái cái danh hiệu đó một cách bền vững, rồi phải xây dựng những thương hiệu khác để mang đi thi"- người đứng đầu Chính phủ lưu ý là cần tạo ra nhiều thương hiệu gạo của Việt Nam, thương hiệu rất quan trọng, bởi có thương hiệu, giá sẽ khác nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo thi công trình phục vụ Hội nghị APEC, phải thực hiện nhanh và phải đẹp, phải xứng tầm với nền văn hóa, vai trò, vị thế của Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo TP Cần Thơ triển khai, hoàn thành bệnh viện ung bướu TP trong năm 2026.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu đã báo cáo Thủ tướng về hai dự án BV Ung bướu Cần Thơ và dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 91.
Cụ thể, dự án đầu tư BV Ung bướu đến nay đã giải ngân được hơn 253 tỉ đồng, chủ yếu là hoàn thành thi công phần thô, chưa lắp đặt thiết bị y tế, nội thất bên trong. Dự án đã ngưng thi công từ ngày 11-7-2022 đến nay. TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương dừng sử dụng vốn ODA, đồng thời xem xét hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương 1.334 tỉ để tiếp tục thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu.
“Lãnh đạo TP xin cam kết với Thủ tướng và Phó Thủ tướng sẽ quyết tâm, quyết liệt để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ dự án, tiếp tục để thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng vào hoạt động vào cuối năm 2026”- ông Lâu cho hay.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn 7km còn lại), có tổng mức là 7.237 tỉ, trong đó chi phí xây dựng là 1.302 tỉ, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 5.556 tỉ nhưng tổng chi phí bồi thường thực tế thì chỉ có 2.400 tỉ đồng.
Theo đó, chi phí bồi thường thừa là 3.156 tỉ đồng do lúc đầu khái toán thì chưa chính xác. Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án sẽ giảm 3.156 tỉ đồng, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng cho phép TP lập dự toán, lập dự án mới, như làm khu tái định cư hoặc dự án mang tính động lực để phát triển TP Cần Thơ.
Về giải ngân thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo 7km còn lại của Quốc lộ 91, Chủ tịch TP Cần Thơ cho biết, kế hoạch giải ngân của năm 2025 là 3.235 tỉ, đã giải ngân 702 tỉ, khả năng hết năm giải ngân khoảng 2.737 tỉ, còn lại 497 tỉ. TP Cần Thơ kiến nghị tạm điều chuyển 497 tỉ này hoặc kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2026.
Ngoài ra, Chủ tịch TP Cần Thơ cũng kiến nghị Thủ tướng cho TP xin xây dựng cơ chế đặc thù sau khi hợp nhất tỉnh để làm động lực phát triển vùng ĐBSCL.
CHÂU ANH
NHẪN NAM