Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025…
Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn của thế giới, nhiều nước, khu vực đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm ngoái và so với đầu năm nhưng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với dự kiến ban đầu, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số trong những năm tới.
Như vậy, chúng ta đi ngược xu thế thế giới về mục tiêu tăng trưởng. Nêu vấn đề then chốt hiện nay là làm sao tăng trưởng nhanh nhưng vẫn hiệu quả và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược bao gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Cùng với 3 đột phá chiến lược, chúng ta đang quyết liệt triển khai bộ tứ trụ cột theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, bao gồm Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
“Vừa qua, chúng ta đã làm rất tích cực các trụ cột này, trong vòng mấy tháng đã hoàn thành việc xây dựng, trình ban hành các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Các động lực này được tạo động lực, truyền cảm hứng từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động thực hiện.
“Trong điều kiện khó khăn, các nước đều hạ tăng trưởng nhưng chúng ta lại dám đi ngược lại. Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt; các ngành các cấp phải đoàn kết, đồng lòng để làm, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phân công công việc 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”. Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, về 2 mục tiêu 100 năm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyển trạng thái bộ máy sang chủ động, tích cực phục vụ người dân, doanh nghiệp
Về tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng cho rằng việc này sẽ giúp giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính; mở rộng không gian phát triển, kết nối thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh điểm quan trọng nhất là chuyển trạng thái bộ máy từ thụ động tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người dân và doanh nghiệp sang chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Muốn làm được, thì cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và người dân phải tích cực tham gia.
Thủ tướng cho biết những năm qua, Chính phủ, các cơ quan đã tích cực xây dựng các quy hoạch; thời gian qua đã đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, theo hướng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các điều kiện cần thiết khác rồi công bố công khai, người dân, doanh nghiệp cứ thế làm theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện, làm những gì luật pháp không cấm; còn chính quyền thay vì phải tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng cũng cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực về đất đai, dân cư, hôn nhân, nhà ở, học sinh, bệnh nhân… để làm thủ tục nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Một vấn đề quan trọng khác được Thủ tướng đề cập là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trong phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo và về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Thủ tướng, chúng ta đã "bắt được bệnh" và đang hoàn thiện thể chế để "chữa bệnh".
Đầu Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí. Bên cạnh đó, theo thống kê các địa phương gửi, có hơn 2.200 dự án tồn đọng. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý.
"Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước. Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, về tổ chức", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoàng Nam