Ngày 13/7, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Đề án 1 triệu ha lúa mang lại lợi ích rõ rệt
Về Đề án 1 triệu ha lúa, theo các báo cáo, đến nay 12/12 tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án với tổng diện tích là 1,015 triệu ha.
Từ năm 2024 đã thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác giảm phát thải với diện tích 50 ha/mô hình trong hai vụ Hè-Thu, Thu-Đông tại 5 tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cam kết sát cánh cùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Chi phí sản xuất giảm từ 8,2-24,2%, giảm lượng giống 30-50%, giảm lượng phân bón hóa học 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống). Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Giá lúa được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Từ vụ Hè-Thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình cũ (trừ mô hình lúa-tôm) và mở rộng thêm 5 mô hình mới. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ kết thúc thu hoạch ở các mô hình.
Ngoài các mô hình trung ương trên, các địa phương đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích 4.518,3 ha. Kết quả, giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước theo mục tiêu của đề án.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số kết quả đạt được khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Điển hình, mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năng suất lúa đã đạt 7,1 tấn lúa/ha, tăng 4% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân thu được gần 28 triệu đồng/ha, tăng hơn từ 4,6-4,8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Giá thành sản xuất trong mô hình giảm khoảng 500 đồng/kg lúa. Thu nhập tăng thêm từ việc bán rơm là 400 nghìn đồng/ha. Lượng giảm phát thải đo trong mô hình này cũng đạt khoảng 3,13 tấn CO2/ha/vụ.
Tại TP. Cần Thơ, tính đến tháng 6/2025, diện tích triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã đạt khoảng 76.000 ha, với 12 mô hình.
Năng suất lúa tại các mô hình đạt cao hơn từ 0,3-0,7 tấn/ha so với nông dân canh tác theo phương pháp truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí sản xuất ở các mô hình giảm trung bình 1,1 triệu đồng/ha. Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha (tương đương tăng hơn 6,6-36,7%) nhờ giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng nước tưới 30-40%. Đặc biệt, theo kết quả của IRRI về việc đo đạc phát thải khí nhà kính cho thấy, các mô hình triển khai tại TP. Cần Thơ giảm từ 2-12 tấn CO2/ha.
6 nhiệm vụ trọng tâm cho 1 Đề án mang nhiều ý nghĩa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là dự án đầu tiên trên thế giới cũng là niềm tự hào của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, Đề án không chỉ mang ý nghĩa lớn là bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn bảo đảm cho các đối tác, các nước bạn bè trong khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là dự án đầu tiên trên thế giới cũng là niềm tự hào của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ngoài ra, Đề án tạo đầu ra rộng, tránh được vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa; góp phần chống biến đổi khí hậu, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng và tạo sinh kế cho người dân; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là chế biến sâu.
Bên cạnh đó, tạo tính liên kết vùng, liên kết quốc tế trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, thị trường và nâng cao thương hiệu gạo quốc gia.
Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương hoàn thiện quy hoạch vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong quý III/2025; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, phát triển thêm các thương hiệu mới, cùng với các thương hiệu nổi tiếng đã có như ST25.
Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách ưu đãi về tín dụng, Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan nguồn vốn của các tổ chức quốc tế; Bộ Công Thương đàm phán, ký kết, triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo; các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bảo đảm đầu ra.
Bộ Khoa học và Công nghệ góp phần xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hấp dẫn, dễ nhận diện; thúc đẩy liên kết 4 nhà gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường, nhà nông.
Các địa phương chủ động hướng dẫn, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các bộ ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Về liên kết sản xuất, đã xác định các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Đề án (620 hợp tác xã giai đoạn 1 và khoảng 1.300 hợp tác xã đến năm 2030), đang xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu thông tin của 620 hợp tác xã tham gia Đề án, tạo nền tảng cho việc kết nối, hỗ trợ và giám sát quá trình triển khai, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo. Ngoài ra, đến nay đã xác định được danh sách gần 200 doanh nghiệp tham gia Đề án, trong đó khoảng 40% là các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản quy mô liên kết từ 200 ha trở lên.Đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 500 tấn gạo mang nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" đã được xuất khẩu vào Nhật Bản, mở ra một triển vọng mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Nguyễn Ngọc