Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ các nước tại Việt Nam; đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp (DN) 2 nước. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tham dự trực tuyến.
Phát biểu trong lần thứ 3 liên tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ được thể hiện ngay sau khi giành độc lập dân tộc, với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Harry Truman bày tỏ muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Hoa Kỳ vào năm 1946.
Theo Thủ tướng, qua những thăng trầm và đột phá, với quan điểm gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, khai thác điểm đồng, hạn chế bất đồng, hướng tới tương lai, vì lợi ích của cả 2 đất nước, 2 dân tộc, nhân dân 2 nước, sau gần 30 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp, trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Có kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân 2 nước và sự đóng góp của DN 2 nước.
Nhận định tình hình thế giới, Thủ tướng cho rằng, không có người dân nào, không có quốc gia nào có thể phát triển suôn sẻ, nếu trên thế giới vẫn còn xung đột, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
Cho rằng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán có tính chất quyết định thành công của đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng kêu gọi DN 2 nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu và vun đắp quan hệ 2 nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam xác định đi lên xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 trụ cột chính: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện đường lối đó, Việt Nam từ đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, sau gần 40 năm đổi mới, đến nay đã vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế trên thế giới; có hiệp định thương mại tự do với trên 65 nền kinh tế trên thế giới. Kim ngạch thương mại năm 2024 ước sẽ đạt gần 800 tỷ USD; hiện có hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư FDI phấn đấu đạt hơn 25 tỷ USD. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên… Đây là sự nỗ lực của Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có các DN Hoa Kỳ.
Chia sẻ về 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, giàu mạnh và thịnh vượng, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung vào các dự án lớn mang tính “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” như: hệ thống đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối các nước trong khu vực, tái khởi động dự án điện hạt nhân, các cảng biển lớn, khai thác không gian vũ trụ, không gian biển… Đồng thời, ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang tập trung thúc đẩy đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng chính sách ổn định, ngày càng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận với thông lệ quốc tế, nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó các DN Hoa Kỳ. Đồng thời, đề nghị Hoa Kỳ xóa bỏ một số rào cản, cấm vận đối với Việt Nam, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện cho 2 nước, DN 2 nước hợp tác phát triển, vì lợi ích chung của 2 nước, nhân dân 2 nước.
Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”, Thủ tướng đề nghị DN 2 nước hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng mới, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Các DN Hoa Kỳ quan tâm phát triển những dự án đầu tư quy mô lớn hơn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn để tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước…
Trên tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng mong muốn các DN Hoa Kỳ sẽ có các chương trình, dự án cụ thể, mang lại lợi ích của người dân, DN và quan hệ 2 nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài, trong đó có DN Hoa Kỳ, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, lắng nghe và đối thoại để thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, DN 2 nước sẽ là nguồn sức mạnh khai phá tiềm năng không giới hạn đó, để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ mang tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên giá trị mới, mang lại lợi ích chung thiết thực hơn nữa cho cả hai bên.
TTXVN