Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành
7 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thực hiện nghi thức khởi công dự án. (Ảnh: THANH GIANG)
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, một số địa phương trong khu vực.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài hơn 52km, được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Đây là cao tốc đầu tiên kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và tiếp tục liên thông với cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành để kết nối lên Tây Nguyên. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m. Tổng mức đầu tư hơn 8.833 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC), Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước (BCMC) và Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả. Liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành là sự kết hợp giữa các đơn vị trong hệ sinh thái Becamex - doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư - tổng thầu thi công - quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự lễ khởi công. (Ảnh: THANH GIANG)
Becamex là doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương, có đóng góp quan trọng trong việc đưa Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu của Việt Nam.
Về phía Tập đoàn Đèo Cả, đến nay đã đầu tư, xây dựng hoàn thành hơn 30km hầm đường bộ, 410km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cầu lớn và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước. Các công trình trọng điểm tiêu biểu như Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Cam Lâm-Vĩnh Hảo… sau khi đưa vào vận hành góp phần nâng cao năng lực kết nối của hệ thống giao thông bắc-nam, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Đại diện liên danh nhà thầu Becamex-Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: THANH GIANG)
Sự kết hợp giữa các đơn vị trong hệ sinh thái Becamex và Tập đoàn Đèo Cả sẽ phát huy thế mạnh của từng đơn vị trong quá trình triển khai dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương, bảo đảm dự án được thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng cao, tối ưu chi phí và hiệu quả khai thác. Tỉnh Bình Dương cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ, bền vững, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành kết nối từ đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng không gian đô thị và công nghiệp. Khi tuyến cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa hoàn thành, sẽ tiếp tục kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dự án cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2030.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chứng kiến nghi thức ký thỏa thuận tín dụng tài trợ cho dự án cao tốc. (Ảnh: THANH GIANG)
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của tỉnh Bình Dương. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những thành tích này của tỉnh Bình Dương, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận và chủ trương chấp thuận đầu tư. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có nhiều sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước cần phải tổ chức trang trọng để giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân; rà soát lại các chỉ tiêu để tăng tốc, bứt phá, về đích; cùng với đó, phải bảo đảm tăng trưởng ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo thế nhiệm kỳ tới tăng trưởng 2 con số, góp phần hoàn thành 2 mục tiêu phát triển 100 năm; năm 2025 cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng an toàn, an dân; cả nước đang triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Do đó, yêu cầu đặt ra cao hơn với nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các hộ dân tiêu biểu đã bàn giao mặt bằng cho dự án. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng mong Bình Dương phát huy truyền thống nhiều năm về tính tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, luôn đi đầu trong các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư; là tỉnh kiểu mẫu cho cả nước học tập; nêu rõ, cả nước tiếp tục tập trung 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về thể chế.
Thủ tướng mong Bình Dương, các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đường lối của Đảng góp phần hoàn thiện thể chế, vì thể chế cũng là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” , đồng thời cũng là “đột phá của đột phá”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi lễ. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng chỉ rõ, đột phá về hạ tầng góp phần tạo không gian phát triển mới, hạ tầng đi đến đâu, giá trị gia tăng của đất tăng đến đó, tăng cường kết nối. Bình Dương luôn đi đầu về kết nối vùng, do đó cần tăng cường tiên phong kết nối vùng Đông Nam Bộ; tiên phong thực hiện quy hoạch vùng, tiên phong trong đổi mới, thu hút đầu tư chất lượng cao, tiên phong trong phát triển giao thông kết nối vùng.
Về dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Thủ tướng khẳng định đây là tuyến giao thông chiến lược không chỉ với Bình Dương mà còn kết nối các khu vực quan trọng, góp phần kết nối Tây Nguyên, góp phần đưa Bình Phước vươn lên phát triển.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Bình Phước chỉ có 7km trên tuyến cao tốc này và Thành phố Hồ Chí Minh tích cực triển khai, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 3km trên tuyến đường, phải triển khai ngay đầu tư xây dựng đoạn tuyến này để thông suốt tuyến đường bảo đảm kết nối ngay các tuyến giao thông chiến lược khác; các bộ, ngành, địa phương phải tích cực giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn trong quý I này, không được để lòng vòng. Đây là công trình “ý Đảng, lòng dân”, không được chần chừ, phải chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã nói, đã làm phải ra sản phẩm cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được để hoàn thành tuyến cao tốc này; bảo đảm ngày 30/4/2025 này phải khởi công tuyến cao tốc nối tuyến đường này với Tây Nguyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại biểu sau khi thực hiện nghi thức khởi công. (Ảnh: THANH GIANG)
Đối với tỉnh Bình Dương, là chủ quản đầu tư, cần rà soát, kiểm tra lại các quy định, thủ tục, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình đầu tư. Về tiến độ, theo dự kiến đầu năm 2027 hoàn thành, tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ, thi công "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió” để không đội vốn công trình, sớm tạo không gian phát triển, bảo đảm 2/9/2026 phải khánh thành công trình (có hơn 50km) vì địa hình thuận lợi; bảo đảm chất lượng công trình, các yêu cầu kỹ mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án, tinh thần là nhân dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, liên danh nhà thầu Becamex-Đèo Cả thực hiện nghiêm túc các yêu cầu theo quy định của luật pháp, không được tham nhũng, tiêu cực; các bộ, ngành cũng phải tích cực hỗ trợ dự án; không được giải quyết kiểu “lòng vòng”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải thực hiện nghiêm theo quy định; phải làm nghiêm tục, tránh trục lợi. Đối với các tỉnh, thành phố liên quan, Bình Phước trong năm 2025, phải hoàn thành 7km của tuyến cao tốc này; Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành thủ tục triển khai tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; tăng cường kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu; nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm từ Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương (nối tiếp tuyến Bến Thành-Suối Tiên).
Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Bình Dương huy động mọi nguồn lực để phát triển tỉnh như ngày hôm nay; nhất là tỉnh tích cực phát triển nhà ở xã hội. Các nhà đầu tư ở tỉnh dành gần 10 nghìn tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, là việc làm nhân văn, đóng góp vào sự phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đổi mới cách làm trong huy động nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội, đồng thời quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta: không hy sinh tiến bộ và công bằng, tiến bộ xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng mong các tỉnh miền Đông Nam Bộ cần làm tốt phát triển nhà ở xã hội, phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội. Các tỉnh cũng cần học tập tỉnh Bình Dương trong thu xếp vốn, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, có chất lượng như nhà ở thương mại với đầy đủ hạ tầng xã hội, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đây mới là tinh thần nhân văn, là tinh thần trách nhiệm.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn các hộ dân đã nhường đất sinh sống, sinh kế cho các dự án; mong tỉnh Bình Dương quan tâm thật sự cho nhân dân trong vùng dự án phải di dời, đã làm tốt công tác này rồi thì phải làm tốt hơn.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khởi công Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương trao quyết định đầu tư xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội với tổng số vốn gần 8.500 tỷ đồng, dự kiến đem đến 9.200 căn hộ là mái ấm cho người lao động, người dân có thu nhập thấp; trao giấy phép đầu tư 8 dự án đầu tư nước ngoài (gồm các dự án cấp mới và dự án điều chỉnh) với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công trên công trường. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến chỉ đạo thực hiện dự án. (Ảnh: THANH GIANG)
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, thị sát công trường xây dựng Dự án thành phần 5 - Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương (gồm Nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi).
THANH GIANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-khoi-cong-du-an-cao-toc-thanh-pho-ho-chi-minh-thu-dau-mot-chon-thanh-post858281.html