(Ảnh: THANH GIANG)
Cùng dự tại điểm cầu chính Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình được truyền trực tuyến đến 79 điểm cầu của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự tại điểm cầu huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh; cùng dự tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền bắc-trung-nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính Thành phố Hồ Chí Minh đến tất cả các công trình, dự án.
Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì cho biết, theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ, tổng vốn các dự án khác là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: THANH GIANG)
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh - điểm cầu chính có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, có 6 công trình, dự án được khánh thành, khởi công gồm: Khánh thành Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; khởi công dự án Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: THANH GIANG)
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trải nghiệm thủ tục kiểm tra sinh trắc học ở cửa ra tàu bay số 12tại Nhà ga hành khách T3-Tân Sơn Nhất.
Trước giờ buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay do Bộ Công an phối hợp các đơn vị tổ chức. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm góp phần tinh thần 2 mục tiêu phát triển 100 năm; nêu rõ, cần tập trung động lực khoa học công nghệ, là động lực quan trọng trong quá trình phát triển. Sự kiện này góp phần thiết thực hưởng ứng Nghị quyết 57 và 59/NQ-CP của Bộ Chính trị, đồng thời thể hiện nỗ lực bắt kịp, tiến cùng, vượt lên và dẫn dắt của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Cùng với 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, và nguồn nhân lực, chúng ta hôm nay đồng thời khánh thành và khởi công 80 công trình trọng điểm, góp phần bảo đảm đất nước ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ổn định để phát triển, có phát triển mới ổn định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trải nghiệm dịch vụ trong Phòng khách VIP của Vietnam Airlines tại Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: THANH GIANG)
Chúng ta đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, năm nay đạt ít nhất 8%, từ những năm sau đó phải đạt tăng trưởng 2 con số. Tất cả các ổn định, phát triển cuối cùng cũng phục vụ người dân, doanh nghiệp, vì Đảng ta không có mục tiêu nào hơn là bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tự do, bình đẳng, dân chủ, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, do đó chúng ta phải hành động, hiệu quả, có sản phẩm. Giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay là sản phẩm thiết thực cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu phòng chờ ra tàu bay trong Nhà ga hành khách T3. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bộ Quốc phòng… để hoàn thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; biểu dương những hộ dân trong khu vực dự án đã nhường đất cho công trình; trong thời gian ngắn nữa sẽ làm khang trang hơn như khu vực trước nhà ga.
Thủ tướng nêu rõ, việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học làm thủ tục lên tàu bay cho người dân cho thấy hiệu quả của chuyển đổi số, giảm chi phí, thời gian, sự đi lại cho người dân, giảm được các khâu trung gian. Thủ tướng yêu cầu các nhà ga hành khách các cảng hàng không phải triển khai nhà ga thông minh.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Công an, Bộ Xây dựng, các tập đoàn, tổng công ty thí điểm cảng hàng không thông minh ở Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất này; cố gắng khắc phục ngay các trục trặc nếu có trong quá trình vận hành. Điều quan trọng là các đơn vị đã có sự chuẩn bị tốt, và để cho người dân có hứng thú sử dụng công nghệ mới này; mong các đơn vị, người dân tích cực tham gia quá trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an triển khai công nghệ này sang các cảng hàng không khác, thậm chí vượt tiến độ đề ra, kể cả các bến tàu, bến xe.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí thực hiện nghi thức khởi động công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay. (Ảnh: THANH GIANG)
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, trong 50 công trình, Dự án khởi công, khánh thành trên cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh có 6 công trình, dự án gồm: Lễ Khánh thành công trình Xây dựng Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Lễ thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, Lễ Khánh thành công trình Xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Lễ Khởi công Đầu tư xây dựng hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, Lễ khởi công Dự án Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).
Trong đó: điểm cầu truyền hình tổ chức Lễ khánh thành công trình Xây dựng Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế-Tân Sơn Nhất và Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn- đường Cộng Hòa, quận Tân Bình được vinh dự chọn làm điểm cầu chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham dự Lễ công bố. (Ảnh: THANH GIANG)
Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh, (đoạn 1, đoạn 2) là dự án giao thông trọng điểm của thành phố, có mục tiêu xây dựng đoạn 1, đoạn 2 của tuyến đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức với tổng chiều dài 6km.
Khi hoàn thành, đoạn 1 và đoạn 2 của đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết nối với đoạn 3 đang được nhà đầu tư thực hiện để khép kín đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Thủ Đức, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía đông thành phố.
Tổng mức đầu tư về xây lắp Giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỷ đồng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 8.627 tỷ đồng với quy mô 1.154 trường hợp phải bồi thường giải phóng mặt bằng, có 62ha đất cần phải thu hồi và do Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức làm chủ đầu tư dự án.
Cùng với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án cũng tiến hành các công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn theo hiện trạng. Cùng với việc triển khai gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn, Ban Giao thông cũng đang tập trung cùng với các đơn vị tư vấn triển khai công tác thiết kế, dự toán, lựa chọn các nhà thầu xây lắp để có thể khởi công các gói thầu xây lắp vào tháng 9/2025 và phấn đấu hoàn thành thông xe toàn bộ công trình vào ngày 30/4/2027.
Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 4135/QĐ-UBND ngày 8/12/2021. Dự án có tổng mức đầu tư: 4.848 tỷ đồng (trong đó: chi phí xây lắp khoảng 1.494 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.412 tỷ đồng).
Dự án có quy mô: chiều dài tuyến 4km; mặt cắt ngang: 29,5m đến 48m (6 làn xe); xây dựng hầm chui: tại nút giao đường Phan Thúc Duyện-đường Trần Quốc Hoàn dài 42m, rộng 9m (2 làn xe); xây dựng cầu vượt rộng 17m (4 làn xe) dài 980m trước nhà ga T3-Sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án được khởi công ngày 24/12/2022, thông xe giai đoạn 1 (đoạn từ đầu tuyến đến đường Thăng Long) với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 10/8/2024. Việc khánh thành và đưa vào khai thác, phục vụ người dân Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tạo ra trục đường mới, kết nối trực tiếp vào Nhà ga hành khách T3 nói riêng và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói chung, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi đến với Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh là Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng và Bùng-Vạn Ninh đang được các nhà thầu tổ chức thi công tập trung với nỗ lực cao nhất về tăng ca, tăng kíp, thi công xuyên đêm để đẩy nhanh tiến độ là 1 trong 5 dự án giao thông hoàn thành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/2025).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự cắt băng khánh thành.
Ba dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh là Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng và Bùng-Vạn Ninh đang được các nhà thầu tổ chức thi công tập trung với nỗ lực cao nhất về tăng ca, tăng kíp, thi công xuyên đêm để đẩy nhanh tiến độ là 1 trong 5 dự án giao thông hoàn thành kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam (30/4/1975-30/2025).
Thủ tướng kêu gọi, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và môi trường, với tinh thần “tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước”.
Việc hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025 như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 80 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân, 80 năm ngày thành lập nước… Đây sẽ là những điểm tựa, đòn bẩy góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, với tinh thần nỗ lực vượt bậc “biến nguy thành cơ”, “chủ động, khôn khéo, linh hoạt để thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế”; với phương châm “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, chúng ta tin tưởng rằng, với trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách, hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước, tiếp tục tỏa sáng để đưa đất nước ta vươn lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã từng mong muốn.
Với tinh thần “thần tốc, táo bạo” của những ngày tháng tư lịch sử năm 1975, Thủ tướng chính thức tuyên bố khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025.
Dưới đây là 1 số hình ảnh diễn ra tại buổi lễ:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Quang cảnhlễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Thủ tướng và các đại biểu cùng tham dự buổi lễ.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).
Lễ gắn biển công trình Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).
HÀ THANH GIANG - MAI HUYÊN - QUÝ HIỀN