Sáng 4/1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế tại Việt Nam.
Cùng tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ, ngành, TP.HCM và TP. Đà Nẵng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ xây dựng Trung tâm Tài chính Khu vực và Quốc tế tại Việt Nam
Theo Kết luận 47/2024 của Bộ Chính trị, TP.HCM được chọn để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế toàn diện, trong khi TP. Đà Nẵng sẽ phát triển Trung tâm Tài chính Khu vực. Các trung tâm này sẽ được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành. Bộ Chính trị nhấn mạnh cần "mang tính cạnh tranh nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'."
Lộ trình triển khai trung tâm tài chính được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn từ nay đến năm 2030: Chính phủ sẽ ban hành và tổ chức thực hiện ngay tám nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. Đồng thời, thí điểm sáu nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần lộ trình áp dụng để đảm bảo phù hợp với Việt Nam.
- Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2035: Tổ chức thực hiện đầy đủ các nhóm chính sách đã thí điểm, tiếp tục phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Chiều nay, Thủ tướng sẽ tham dự hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã được phê duyệt theo Quyết định 1711 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tổng quát là đưa TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo vào năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị
Mục tiêu quy hoạch TP.HCM đến năm 2030 TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước.
Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại, dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.
TP.HCM hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi bật trong khu vực Đông Nam Á, với GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước, vượt ngưỡng thu nhập cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á, nơi kinh tế và văn hóa phát triển đặc sắc. Thành phố được quy hoạch là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển là đô thị đặc biệt, bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc: TP. Thủ Đức (đô thị loại I) và năm đô thị vệ tinh gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Không gian đô thị sẽ được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng, hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Sau năm 2030, thành phố sẽ xây dựng các đô thị theo mô hình "TP đa trung tâm," bao gồm khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).
Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP.HCM theo mô hình đa trung tâm, hiện đại, bền vững.
Cũng trong chuyến công tác tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Bộ Tư lệnh TP.HCM. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang trong sự phát triển toàn diện của thành phố.
Yến Linh