Ngày 27/11/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 7, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức. Hội nghị năm nay là cơ hội quan trọng để thúc đẩy hợp tác đầu tư và làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, đồng thời định hướng cho những bước phát triển bền vững trong tương lai.
Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ các nước tại Việt Nam và đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp hai nước. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cùng cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tham dự dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ được tổ chức lần thứ 7 nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại và giao thương giữa hai nước. Ảnh: Huyền Trang
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với lợi ích song phương
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 7 năm 2024 có chủ đề “Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảo bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung”. Với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ thương mại và kinh tế, hiện thực hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, các đại biểu thảo luận về chính sách, phương hướng mà Chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để đảm bảo quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Harry Truman với mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ giữa hai nước. Trải qua nhiều thăng trầm, quan hệ song phương đã đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt với việc nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 110,8 tỷ USD và trong 10 tháng đầu năm 2024 đã chạm mốc 110,9 tỷ USD. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả lãnh đạo, nhân dân, và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đồng thời kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tập trung vào các vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cạn kiệt tài nguyên. Đây là những vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 trụ cột chính: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2024. Ảnh: Huyền Trang
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế thế giới, với kim ngạch thương mại dự kiến đạt gần 800 tỷ USD vào năm 2024. Đồng thời, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, với tổng vốn FDI hơn 400 tỷ USD và kế hoạch thu hút thêm 40 tỷ USD trong năm nay.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược. Các dự án lớn mang tính “xoay chuyển tình thế” như hệ thống cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các cảng biển lớn, tái khởi động điện hạt nhân và khai thác không gian biển, không gian vũ trụ đang được ưu tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ hỗ trợ nhau mở rộng chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp của cả hai nước phải tiếp tục hợp tác để cùng tìm ra các giải pháp hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu. Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” cùng phương châm “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn doanh nghiệp hai nước hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng mới, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính và logistics.
Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ các rào cản thương mại và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện để hai bên khai thác tiềm năng hợp tác toàn diện. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp hai nước trong việc đối mặt với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cạn kiệt tài nguyên.
Trên tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ triển khai các dự án cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ là sự kết nối về kinh tế, thương mại mà còn là một phần của chiến lược dài hơi trong phát triển toàn diện và bền vững.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bước sang một chương mới, mạnh mẽ và đột phá hơn, mang lại những giá trị thiết thực và lâu dài cho cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
Huyền Trang