Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại
8 giờ trướcBài gốc
Sáng 14/5 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua; phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố.
Các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34 nghìn vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Tuy nhiên, tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn hoạt động công khai; tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là đáng khích lệ, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa… vẫn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực, số đối lượng lớn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người dân và uy tín của đất nước.
Cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, bảo vệ trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Lưu ý, việc tăng cường có hiệu quả công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ phải gắn liền với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, đi đôi với nâng cao năng lực quản lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, lực lượng liên quan căn cứ chức năng, quyền hạn, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức thực hiện; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm, đồng thời có hình thức khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể làm tốt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 làm Tổ trưởng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương mở đợt cao điểm tấn công, đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025.
Yêu cầu phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương thành lập các Tổ công tác của địa phương, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ với Tổ công tác Trung ương trong tấn công quy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ rà soát chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành không để "khoảng trống pháp lý" trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy dẫn đến buông lỏng quản lý liên quan đến phòng, chống tội phạm, liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đẩy nhanh tiến độ truy tố xét xử các vụ án, kịp thời đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kịp thời răn đe, phòng ngừa.
Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về lực lượng quản lý thị trường, chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Đồng thời hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Song song với đó các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp với các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hoạt động gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, nhất là buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng, đội giá, đặc biệt đối với thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm chức năng.
Đề nghị các lực lượng chức năng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng, tập trung tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời kiểm soát chặt các sản phẩm quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202505/thu-tuong-pham-minh-chinh-mo-dot-cao-diem-tan-cong-truy-quet-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-aa6447e/