Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về 5 phương thức giao thông để ĐBSCL thoát nghèo

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về 5 phương thức giao thông để ĐBSCL thoát nghèo
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 21-4, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CTV
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
2 nút thắt cơ bản của Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ĐBSCL là vùng trù phú, giàu tiềm năng, giàu truyền thống cách mạng. Nhìn lại chặng đường 50 năm thống nhất đất nước, Đảng và nhà nước đã lãnh đạo và mang lại nhiều thành quả cho nhân dân, trong đó có vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ĐBSCL có hai nút thắt cơ bản về giao thông và nguồn nhân lực. Vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy, tháo gỡ bằng được hai nút thắt này.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ thực hiện chủ trương chung của Đảng, triển khai rất quyết liệt về phát triển hạ tầng giao thông và tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng cho biết hôm qua đã khảo sát đoạn cuối của cao tốc Bắc Nam ở Cà Mau. Qua khảo sát cho thấy đến nay các khó khăn đã cơ bản được giải quyết, công trường triển khai làm việc ba ca, bốn kíp, làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, tết…
Hiện còn hai vấn đề là đẩy nhanh tiến độ, song song với đó là đảm bảo chất lượng, không đội giá. Ở dự án này, do nền đất yếu nên phải gia tải bằng các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Tuyến cao tốc Đông Tây từ An Giang qua Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng cũng đang triển khai rất tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Ảnh: CTV
Thủ tướng đặt ra ba yêu cầu lớn
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ba yêu cầu lớn được đặt ra với các công trình hạ tầng của ĐBSCL là kịp và vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và đảm bảo không đội vốn, đội giá, không để tiêu cực, tham nhũng, cạnh đó là vệ sinh môi trường, cảnh quan, hoàn nguyên, khai thác hiệu quả.
Vấn đề về vốn cũng rất quan trọng vì năm nay là năm cuối của nhiệm kỳ, sang năm triển khai chương trình đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-20230 nên không được để bị động, khó xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh giai đoạn tới tương đối thuận lợi vì quy hoạch đường bộ cao tốc nhiệm kỳ này cơ bản xong. Mấy tháng qua, Thủ tướng đã chỉ đạo làm đường cao tốc nối từ Cà Mau ra Đất Mũi và đoạn cao tốc từ Đất Mũi ra cảng Hòn Khoai, một vị trí chiến lược. Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ tới phải làm ít nhất 600 km cao tốc để cả vùng phải có ít nhất 1.200 km.
Ngoài vấn đề giao thông đường bộ, Thủ tướng cũng cho biết theo quy hoạch sân bay đã xác định mở rộng sân bay Cà Mau, đồng thời đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Phú Quốc, Rạch Giá.
Hệ thống cảng Hòn Khoai, Trần Đề, Cái Cui phải tập trung làm theo thứ tự ưu tiên. Hệ thống đường thủy nội địa đã có quy hoạch, cần xem xét theo thứ tự ưu tiên.
“Về đường sắt cao tốc, tôi đã chỉ đạo đưa vào quy hoạch vùng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. Giải quyết được 5 phương thức giao thông này thì ĐBSCL mới thoát nghèo, chúng ta phải quyết tâm làm. Mỗi thế hệ làm một ít thì dần dần ta sẽ hoàn thiện” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết cuộc họp hôm nay tập trung chuyên đề giao thông, đánh giá việc triển khai hệ thống giao thông trong những năm vừa qua, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát đến ngày 19-12-2025 phải khánh thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cần Thơ đi Cà Mau, nối tuyến này từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, vào TP.HCM, tới Cần Thơ về Cà Mau. Đồng thời từ nay đến cuối năm phải khởi công bằng được tuyến cao tốc từ Cà Mau đến Đất Mũi.
Nhiều dự án tiến độ chậm so với kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, vùng ĐBSCL đang triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm với 13 dự án thành phần (DATP), gồm:
7 DATP hoàn thành trong năm 2025 là cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau dài 110,87km; cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 28,8km; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51,5km; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận dài 51,94km; cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6km; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 16km qua Đồng Tháp.
6 DATP hoàn thành sau năm 2025, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (gồm 4 DATP qua 4 tỉnh, thành là An Giang 57 km; Cần Thơ 37,4km; Hậu Giang 36,7 km; Sóc Trăng 54,8 km); DATP2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua Tiền Giang dài 11,43km; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, chiều dài 26,6 km.
Về tình hình triển khai thi công, báo cáo cho biết, để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Đến nay, một số dự án có tiến độ đáp ứng yêu cầu, gồm Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, DATP 1 sản lượng đạt 47%, DATP 3 đạt 37%, Cao Lãnh - Lộ Tẻ đạt 58%, cầu Rạch Miễu 2 đạt 84,38%.
Các dự án còn lại tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian đầu còn thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, một số nhà thầu còn chậm trong công tác tổ chức thi công gồm: Cần Thơ - Cà Mau sản lượng đạt 66%/7% kế hoạch; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, DATP 2 đạt 31%/42%, DATP 4 đạt 31%/40%; Cao Lãnh - An Hữu, DATP 1 đạt 59,8%/72%, DATP 2 đạt 18,8%/21,3%, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đạt 35,2%/55,2%, đường Hồ Chí Minh đạt 30,56%/45%.
NHẪN NAM
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-noi-ve-5-phuong-thuc-giao-thong-de-dbscl-thoat-ngheo-post845696.html