Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra 2 dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu nghị-Chi Lăng

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra 2 dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu nghị-Chi Lăng
11 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công hầm Đông Khê trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. (Ảnh: Trần Hải)
Thăm, tặng quà động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công trên công trường dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị năm 2025, đất nước ta có nhiều sự kiện kỷ niệm trọng đại như 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh…, do đó, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành tuyến cao tốc bắc-nam từ Cao Bằng tới mũi Cà Mau để thiết thực chào mừng các sự kiện lớn này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, động viên đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công trên công trường dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. (Ảnh: Trần Hải)
Chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị liên quan, đội ngũ kỹ sư, công nhân phải nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, thi công "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết; phấn đấu đưa công trình đạt tiến độ, chất lượng, các yêu cầu kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường,…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ dự án (Ảnh: Trần Hải).
* Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Với tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 69,43%, tương đương 9.800 tỷ đồng, dự án này đã được hoạch định sẽ hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công trên công trường. (Ảnh: Trần Hải)
Giai đoạn 2 của dự án sẽ bao gồm việc mở rộng tuyến hiện có dài 93,35km với tổng mức đầu tư 3.839 tỷ đồng và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71km với tổng mức đầu tư 5.107 tỷ đồng.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87,4/93,35km (tương đương 93,6%) trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 41,1/41,55km (tương đương 99%), tỉnh Lạng Sơn đạt 46,3/51,8km (tương đương 90%). Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.
Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca 4 kíp”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Hiện Dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng các nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà đầu tư huy động và 120 tỷ đồng vốn tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các công nhân đang thi công trên công trường. (Ảnh: Trần Hải)
Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025.
Liên danh nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 106/2023/QH15. Thống nhất đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo hình thức PPP, đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; Cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng VDB.
* Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 60km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, Dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị-Cốc Nam-Tân Thanh đến các trung tâm kinh tế Hà Nội-Bắc Giang-Bắc Ninh, rút ngắn thời gian kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung. Dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả-Tập đoàn Đèo Cả-Công ty Xây dựng công trình 568-Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, mặt bằng được địa phương bàn giao 39,9/59,87 km (đạt 67%), phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Dự án đã giải ngân 690 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà đầu tư huy động. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn (bao gồm giải phóng mặt bằng) đạt 1.450 tỷ đồng. Giữa tháng 10, doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu cùng phát động phong trào thi đua 100 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Doanh nghiệp dự án đề xuất các cấp có thẩm quyền thống nhất điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án lên 70% tổng mức đầu tư để tăng tính khả thi phương án tài chính (tương tự dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, cùng đi qua khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023).
Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép vốn ngân sách Nhà nước tham gia, hỗ trợ trong giai đoạn khai thác đối với dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành, bị sụt giảm doanh thu do những nguyên nhân khách quan.
Trong đó có dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước 4.600 tỷ đồng cho dự án. Điều này tạo cơ sở để ngân hàng TPBank xác định thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khởi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh về việc đào tạo nguồn nhân lực tại nơi có dự án đi qua, Tập đoàn Đèo Cả với sự hỗ trợ của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng đã hoàn thành Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thực hành Đèo Cả nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.
Mục tiêu thành lập Trung tâm nhằm cung cấp mô hình đào tạo nâng cao năng lực thực hành cho công nhân, thực chiến cho kỹ sư và điều hành cho nhà quản lý. Các học viên của Trung tâm ngoài việc được đào tạo về công nghệ xây dựng tiên tiến như công nghệ Mô hình Thông tin Công trình (BIM), còn được tiếp cận những ứng dụng công nghệ xanh trong hạ tầng giao thông.
Đáng chú ý, Trung tâm vừa là cơ sở tập trung đào tạo công nhân được tuyển dụng tại chỗ, vừa hướng tới tuyển sinh nhân lực địa phương để đào tạo và tiến tới tuyển dụng. Sau khi đi vào hoạt động, đây không chỉ là một cơ sở đào tạo, mà còn là phòng thí nghiệm quy mô hiện đại, tạo điều kiện cho học viên thực hành các mô hình công nghệ tiên tiến.
Tin: Thanh Giang - Anh Tuấn; Ảnh: trần hải
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-thi-sat-kiem-tra-2-du-an-cao-toc-dong-dang-tra-linh-va-huu-nghi-chi-lang-post844868.html