Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò to lớn của biển đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam xác định mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn như tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát biển bền vững kinh tế biển: biển chính là không gian sinh tồn, không gian sống và phát triển quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao giá trị của UNCLOS 1982, coi đây là bản hiến pháp cho đại dương, tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, là nền tảng cho việc duy trì trật tự, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển, phục vụ phát triển trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc nghiêm chỉnh tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, giải quyết hòa bình các bất đồng, tranh chấp, bao gồm các tranh chấp liên quan đến biển.
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và bày tỏ coi trọng vai trò của ITLOS trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 trong thời gian qua. Thủ tướng cũng cho rằng ITLOS là “sân chơi” bình đẳng để tất cả các quốc gia thành viên, dù lớn hay nhỏ, có thể sử dụng để thể hiện quan điểm về các vấn đề pháp lý về biển cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ghi nhận những nỗ lực của Tòa trong việc tổ chức nhiều sự kiện và chương trình đào tạo nhằm tăng cường kiến thức về luật biển quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc tổ chức thành công Hội thảo khu vực về “Vai trò của ITLOS trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới Luật biển” tại Hà Nội ngày 05 - 06/5/2025 và vui mừng nhận thấy hoạt động này cho thấy một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam và ITLOS.
Hoan nghênh việc hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ITLOS tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển quốc tế, để Việt Nam có đội ngũ luật sư có trình độ, khả năng hoạt động trong môi trường quốc tế, tham gia vào việc giải quyết tranh chấp quốc tế và cũng như làm việc tại các thiết chế pháp lý quốc tế và cơ chế đa phương. Thủ tướng cũng ghi nhận việc ITLOS đã nhận người Việt Nam vào công tác tại Tòa, đồng thời thông tin việc Việt Nam đã lựa chọn và giới thiệu ứng cử viên phù hợp vào vị trí Thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035.
Về phần mình, Chánh án Tòa ITLOS Tomas Heidar đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ và đồng hành cùng Tòa ITLOS trong việc tổ chức Hội thảo khu vực lần này tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ông Tomas Heidar chia sẻ Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện vì là quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với biển, không chỉ xét từ vị trí địa lý mà còn thể hiện trong các cam kết lâu dài của Việt Nam đối với Công ước UNCLOS 1982, được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như việc Việt Nam tham gia tích cực Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ ba và là một trong những nước sớm ký kết, phê chuẩn Công ước.
Theo Chánh án Tòa ITLOS, Việt Nam đã phê chuẩn hai hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS là Hiệp định thực thi Phần XI UNCLOS (2006) và Hiệp định về nguồn cá (2018); Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Ông Tomas Heidar đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với công việc của ITLOS và trình độ của đội ngũ cán bộ pháp lý Việt Nam thông qua việc Việt Nam tích cực tham gia phiên trình bày tại ITLOS liên quan tới việc cho ý kiến tư vấn của Tòa về biến đổi khí hậu, và đề cử chuyên gia pháp lý xuất sắc của Việt Nam cho vị trí thẩm phán của ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035.
*Hội thảo khu vực về “Vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật biển”, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phối hợp đồng tổ chức, có sự tham dự của 7 đại diện từ ITLOS cùng hơn 70 đại biểu là chuyên gia pháp lý từ 15 quốc gia tại khu vực châu Á, cán bộ làm việc trong lĩnh vực về biển của các bộ, ngành trung ương của Việt Nam và đại diện từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức trong hai ngày 05-06/5/2025, gồm 3 Phiên tập trung thảo luận về các chủ đề xoay quanh thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS nói chung và ITLOS nói riêng, các án lệ tiêu biểu và kết thúc bằng tọa đàm bàn tròn giữa các đại biểu tham gia.
* ITLOS, tòa án quốc tế thành lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), có thẩm quyền xét xử, giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS giữa các quốc gia lựa chọn Tòa là cơ quan thụ lý, cũng như các vấn đề pháp lý được quy định trong các thỏa thuận khác giữa các quốc gia thành viên.
Tòa hiện có 21 Thẩm phán được bầu bởi các nước thành viên Công ước, và hiện đã giải quyết, thụ lý hơn 30 vụ tranh chấp biển sau 30 năm hoạt động. ITLOS có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn tính toàn vẹn, làm sáng tỏ các vấn đề và thúc đẩy tuân thủ UNCLOS.
TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc