Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ báo cáo cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; thông tin tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố quý 1/2025. Đoàn đại biểu Quốc hội cũng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo phản ánh đến cơ quan chức năng những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Kiến nghị cụ thể chiến lược các ngành nghề mũi nhọn vùng ĐBSCL
Các cử tri thành phố đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhờ đó mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.
Các cử tri cũng nêu nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương cần sớm có giải pháp hỗ trợ, đồng thời xem xét đàm phán thuế với phía đối tác Hoa Kỳ để khôi phục mức thuế như trước đây hoặc phù hợp hơn. Cử tri cũng kiến nghị cần có định hướng chiến lược cụ thể các ngành nghề mũi nhọn cần ưu tiên phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian tới.
Cử tri kiến nghị cần có những đánh giá cụ thể về mức độ và phạm vi ảnh hưởng tiềm tàng của chính sách thuế quan Hoa Kỳ đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường đối tác nước bạn.
Tương ứng, cần sớm có giải pháp chiến lược để đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cử tri Phạm Thái Bình - Ảnh: VGP
Các cử tri cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng có giải pháp, định hướng chiến lược mới phù hợp hơn nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam thích ứng với những biến động từ chính sách quốc tế, nhất là từ các quốc gia lớn. Xem xét bổ sung thêm các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động,... Nghiên cứu sớm có định hướng để thúc đẩy số hóa ngành kim hoàn, góp phần tạo ra một thị trường kinh doanh vàng minh bạch, công bằng và hiện đại hơn trong thời gian tới.
Cử tri Lê Thanh Trúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Kỳ họp thứ 9 sắp tới là kỳ họp nhiều văn bản nhất, quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này, thời gian dài với nhiều việc lớn.
Thủ tướng cũng cho biết, bối cảnh, tình hình những năm qua và gần đây có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức luôn nhiều hơn, song vẫn chưa bằng những khó khăn, thách thức mà dân tộc ta đã vượt qua trước đây trong lịch sử.
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như tiếp tục khẩn trương thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chuẩn bị tốt phục vụ các ngày lễ lớn, tri ân những người có công, giáo dục truyền thống, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ, tạo khí thế, động lực mới phát triển đất nước.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trở lên và chuẩn bị tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tập trung triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Rà soát, tháo gỡ các dự án khó khăn, giải quyết các dự án kéo dài, lãng phí, trong đó có một số dự án trên địa bàn Cần Thơ.
Với Cần Thơ, ngoài các nhiệm vụ chung của cả nước, Thủ tướng mong muốn và đề nghị thành phố xác định công việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, đầu tư công, phát triển hệ thống hạ tầng thông thoáng trong tổng thể khu vực ĐBSCL, phối hợp, kết nối chặt chẽ với các địa phương vùng để cùng phát triển.
Cùng với đó, Cần Thơ cần phát huy hiệu quả hơn nữa cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. Tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chăm lo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Về các kiến nghị cụ thể của cử tri tại hội nghị này, Thủ tướng nêu rõ, liên quan đến việc ứng phó chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, Việt Nam phải bình tĩnh. "Đây cũng là dịp để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế bền vững, tái cơ cấu lại sản xuất, theo đó phải phát triển nhanh và bền vững, sản xuất xanh, sạch, nâng cao giá trị gia tăng, đi vào các động lực tăng trưởng khác; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng," Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp ở Cần Thơ cũng phải tái cơ cấu, tìm thêm các thị trường, bạn hàng khác, nỗ lực hạ giá thành sản phẩm; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ứng dụng chuyển đổi số để quản lý thông minh.
Liên quan vấn đề tiếp cận vốn, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu ngành ngân hàng phải có gói tín dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi vay vốn mua nhà ở và gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng với lãi suất thấp hơn bình thường, thủ tục đơn giản.
Về giá vàng, Chính phủ đang sửa lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng không còn phù hợp tình hình. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cương quyết điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu, găm hàng, đội giá.
Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa báo cáo tình tình phát triển kinh tế - xã hội của TP qua 3 tháng đầu năm. Cụ thể, trong quý 1/2025, TP Cần Thơ đã thực hiện cấp mới đăng ký kinh doanh cho 521 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 2.002,347 tỷ đồng, tăng 23,46% về số lượng doanh nghiệp và giảm 34,23% về vốn so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), lũy kế đến hết quý 1/2025, TP hiện có 94 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích khoảng 1.922,61 ha.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến hết quý 1/2025 trên địa bàn TP hiện có 79 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.219,70 triệu USD.
Về hoạt động các khu công nghiệp, lũy kế quý 1/2025, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ là 667,8 triệu USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Kiều Chinh
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ