Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo chia buồn về sự ra đi của Đức Giáo hoàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo chia buồn về sự ra đi của Đức Giáo hoàng
9 giờ trướcBài gốc
Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời vào ngày 21/4/2025. Ảnh: The Guardian
Được tin Giáo hoàng Francis vừa qua đời, ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher.
Nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia cũng gửi lời chia buồn tới Vatican
Trong ngày 21/4, nhiều lãnh đạo các quốc gia đã bày tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn sau khi nhận tin Đức Giáo hoàng Francis qua đời tại Vatican (Rome, Italia).
Trong bài đăng trên trang của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ghi: "Hãy yên nghỉ thưa Giáo hoàng Francis. Cầu Chúa ban phước lành cho ngài và tất cả những người yêu mến ngài!".
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis, gọi ngài là "Giáo hoàng của người dân, ánh sáng của đức tin, hy vọng và tình yêu".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Từ Buenos Aires đến Rome, Đức Thánh Cha Francis mong muốn Giáo hội mang lại niềm vui và hy vọng cho những người nghèo nhất, đoàn kết con người với nhau và với thiên nhiên. Cầu mong những ước nguyện này được nuôi dưỡng không ngừng sau sự ra đi của ngài".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi một thông điệp chia buồn, nói rằng Giáo Hoàng Francis "đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa Giáo hội Công giáo, với sự khiêm nhường và tình yêu thuần khiết đối với những người kém may mắn hơn".
Thủ tướng Đức Friedrich Merz bày tỏ: "Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Giáo hoàng sẽ được nhớ đến vì cam kết không mệt mỏi của ngài đối với những thành viên yếm thế nhất của xã hội, đối với công lý và sự hòa giải".
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng trên mạng xã hội X, gọi ông là một "con người tốt đẹp, ấm áp và giàu cảm xúc".
Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro có phát biểu, khẳng định Giáo hoàng Francis là "một Giáo hoàng phi thường, người để lại một di sản độc đáo về chủ nghĩa nhân văn, sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự gần gũi với mọi người".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ: "Trong giờ phút đau buồn và tưởng nhớ này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến cộng đồng Công giáo toàn cầu. Đức Thánh Cha Francis sẽ luôn được nhớ đến như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, khiêm nhường và lòng can đảm thiêng liêng của hàng triệu người trên khắp thế giới".
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, phát biểu trên truyền hình quốc gia, cho biết nước này sẽ treo cờ rủ trên các tòa nhà chính phủ nhằm thể hiện sự kính trọng đối với cố Giáo hoàng. "Đối với người Công giáo Australia, ông là một nhà vô địch tận tụy và là người cha yêu thương".
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon khẳng định Giáo hoàng Francis là "một người khiêm tốn, di sản của ngài bao gồm một cam kết vững chắc đối với những người dễ bị tổn thương, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn".
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng có chia sẻ, trong đó nhận định: Giáo hoàng Francis là "người tiên phong về sự hòa hợp giữa các tôn giáo, hòa bình và thúc đẩy nhân loại". Sự ra đi của Giáo hoàng là "một mất mát không thể thay thế của toàn thế giới".
Tổng thống Lebanon Joseph Aoun cho biết: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis là mất mát của toàn nhân loại, vì ngài là một tiếng nói mạnh mẽ cho công lý và hòa bình, một nhà vô địch của những người nghèo và người bị thiệt thòi, và là người ủng hộ đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa khác nhau".
Tổng thống Malta Myriam Spiteri Debono nói rằng, Giáo hoàng Francis "sẽ được nhớ đến vì sự khiêm nhường, sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cũng như những đóng góp không ngừng nghỉ vì hòa bình quốc tế và hòa giải giữa các dân tộc".
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gửi lời chia buồn đến Vatican, trong đó nhấn mạnh Giáo hoàng Francis là "biểu tượng của sự khoan dung, tình yêu và tình huynh đệ".
Theo thông tin từ Văn phòng báo chí Vatican, thi hài Giáo hoàng Francis sẽ được đặt tại Nhà thờ Thánh Peter từ ngày 23/4 để các tín hữu khắp nơi trên thế giới có thể tới viếng.
Quang Minh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-cac-nha-lanh-dao-chia-buon-ve-su-ra-di-cua-duc-giao-hoang-179250422071154485.htm