Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tổ chức, kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự Hội nghị về phía Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương.
Đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Thể chế là nguồn lực, động lực của sự phát triển, tuy nhiên thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Thủ tướng cho biết, Chính phủ và Quốc hội trong thời gian qua đã nỗ lực cùng nhau tháo gỡ các “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, phát triển đất nước. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết với sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như đầu tư, tài chính, ngân sách, thuế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, điện lực… với nhiều nội dung khó, phức tạp, kịp thời điều chỉnh bổ sung nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, đột xuất; thực hiện đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
“Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng và thông qua các Luật, nghị quyết trong các kỳ họp vừa qua, nhất là Kỳ họp thứ Tám”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết ngay sau Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đã ban hành các chỉ đạo để triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung rà soát, quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm của các Luật, Nghị quyết và nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai ngay; đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới; đồng thời, tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp khả thi, thiết thực để đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã khẩn trương chuẩn bị, giúp Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV để sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, đảm bảo sự gắn kết giữa công tác xây dựng với thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nhấn mạnh lại những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay tại Kỳ họp thứ Tám, các cơ quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện trong tất cả các khâu: trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
Trên tinh thần đó, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp như: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dữ liệu...
Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cùng với đó, các luật, nghị quyết được sửa đổi, ban hành bám sát yêu cầu triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thí điểm chính sách mới, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa...
Với tinh thần xây dựng luật ngắn gọn để đảm bảo tính ổn định, giá trị lâu dài, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát đưa ra khỏi các dự thảo luật, nghị quyết nhiều quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nhiều luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể số lượng các chương, điều, khoản so với dự thảo trình ban đầu như: Luật Công chứng giảm 2 chương, 3 điều, Luật Điện lực giảm 49 điều, Luật Việc làm giảm 36 điều, Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6 điều; Luật dữ liệu giảm 5 điều...
Đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thông qua
Qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.
"Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến trong tháng 2.2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đồng thời nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan quan tâm thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Một là, đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình; cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2.2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản thực thi các luật
Hai là, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Tám
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương có Quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết đối với toàn bộ các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, riêng đối với 18 luật, Chính phủ, các Bộ cần ban hành 127 văn bản, một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thứ trưởng trong trực tiếp chỉ đạo, thực hiện trong quá trình xây dựng pháp luật; chất lượng ban đầu khi cơ quan chủ trì trình các dự án luật là hết sức quan trọng, quyết định rất lớn đến chất lượng thực hiện các quy trình sau này cũng như “tuổi thọ” của luật.
Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số Bộ, cơ quan. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản; sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15, đến hết ngày 20.12.2024, đã có 140/156 (89,74%) nhiệm vụ lập pháp hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, xây dựng mới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; phối hợp với các Bộ kịp thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh, coi đây là công tác trọng tâm của các tháng đầu năm 2025.
Ba là, về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ Chín có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình. Sau kỳ họp bất thường cuối tháng 2.2025 chỉ còn hơn 2 tháng là bước vào Kỳ họp thứ Chín.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội ngay từ tháng 12 này để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3.2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc Kỳ họp thứ Chín. Đảm bảo đúng thời gian theo quy định về việc gửi tài liệu là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tới đại biểu Quốc hội; chậm nhất trước 7 ngày khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị "các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn".
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Chú trọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự nhất quán về chính sách, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng;
Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong việc khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật và giám sát việc thực hiện để các luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả kiến tạo phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
"Chúng ta phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ các địa phương; chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phạm Thúy