Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brasil Lula da Silva, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brasil từ ngày 4 đến ngày 8-7-2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân. Ảnh: VGP
Trước đó vào ngày 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã xác nhận về việc Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Là đối tác nhóm BRICS, Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng các nước thành viên nhóm BRICS và cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh hợp tác và huy động nguồn lực, thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của các nước đang phát triển hiện nay, như đầu tư, thương mại, kết nối hạ tầng, tận dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển, giao lưu nhân dân, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức chung toàn cầu”
Cũng theo người phát ngôn, Việt Nam sẵn sàng phối hợp kết nối các chương trình hợp tác nêu trên của BRICS với các cơ chế đa phương liên quan, qua đó đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
+ BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn.
Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm (i) hợp tác chính trị - an ninh, (ii) kinh tế - tài chính, và (iii) văn hóa và giao lưu nhân dân.
Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB) 5, các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành 6 và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên.
BRICS hoạt động theo hai kênh bổ trợ lẫn nhau: các cuộc họp dành riêng cho các thành viên BRICS và các phiên họp Đối tác BRICS có sự tham dự của các nước đối tác BRICS.
NGỌC DIỆP