Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vượt qua giới hạn của chính mình, xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vượt qua giới hạn của chính mình, xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt
2 ngày trướcBài gốc
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, thoát khỏi lối mòn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.
Chỉ rõ quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển.
Do đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư. Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.
Để có nguồn lực xây dựng các dự án đường sắt, phải đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng thiết kế bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan rà soát về cơ chế, chính sách, những vướng mắc cần giải quyết, những chính sách cần thiết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Giao một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của các dự án đường sắt; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng theo hướng tách thành dự án riêng, khi có hướng tuyến thì giao các địa phương giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư các nhà ga, trước hết là dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Quang cảnh phiên họp.
Yêu cầu tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao trách nhiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Các nhiệm vụ, công việc phải bảo đảm 6 “rõ”, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, làm cơ sở để theo dõi, kiểm điểm. Cùng với đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm, đồng thời biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Chỉ đạo lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các dự án phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua, nếu còn thiếu cơ chế, chính sách nào thì trình Quốc hội để áp dụng chung cho các dự án.
Về các dự án cụ thể, với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của Dự án trong năm 2025. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định. Đồng thời, thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công vào tháng 12-2026. Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4-2025; đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rà soát tình hình triển khai các Dự án đường sắt đô thị tại địa phương. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.
TTXVN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-vuot-qua-gioi-han-cua-chinh-minh-xay-dung-bang-duoc-nganh-cong-nghiep-duong-sat-821803