Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại sự kiện. Ảnh: Viết Thành
Đến dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại lễ khởi công. Ảnh: Viết Thành
Báo cáo tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, có vai trò quan trọng kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng và tỉnh Thái Nguyên, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Bên cạnh đó, dự án cầu Tứ Liên được xác định là dự án quan trọng kết nối Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm thành phố Hà Nội trong tương lai, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Phối cảnh cầu Tứ Liên.
Cầu Tứ Liên được thiết kế là cầu dây văng hai mặt phẳng, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình biểu tượng của thành phố Hà Nội.
“Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Đồng thời, UBND thành phố đang chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và khởi công một loạt 6 công trình cầu lớn, như: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh thông tin.
Các nhà thầu thi công dự án cầu Tứ Liên. Ảnh: Viết Thành
Thay mặt liên danh nhà thầu, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho hay, tập đoàn cam kết sẽ huy động tài chính, công nghệ, nhân lực, để thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; tuân thủ nghiêm các quy chuẩn an toàn lao động, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả giám sát, thi công và kiểm soát chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công. Ảnh: Viết Thành
Phát biểu tại lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, có hai điều mà lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất trăn trở với Hà Nội là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hà Nội cần tập trung giải quyết hai vấn đề này, với lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực phù hợp.
Theo Thủ tướng, dự án cầu Tứ Liên không chỉ kết nối khu vực phát triển của Hà Nội mà còn góp phần kết nối vùng, kết nối giữa 2 sân bay quốc tế lớn là Nội Bài và Gia Bình.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, không đội vốn, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Các cấp, ngành thành phố Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt, nhất là trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công dự án. Trong quá trình giải phóng mặt bằng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp đầu tư…
Các nhà thầu tham gia thi công dự án phải tập trung nguồn lực để rút ngắn tiến độ, phấn đấu thi công, hoàn thành dự án trong 24 tháng.
Trong quá trình thi công phải giám sát chất lượng chặt chẽ, phải mang những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất để đưa vào thi công dự án… Đặc biệt, nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp) là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) phải hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các nhà thầu Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Viết Thành
“Với các nhà thầu, tôi đề nghị nhanh hơn nữa, hoàn thành dự án trong 24 tháng. Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia là điển hình, lúc đầu dự kiến 2 năm nhưng giờ chưa đến 1 năm đã chuẩn bị hoàn thành. Đây là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Tập đoàn Vingroup. Với Chính phủ và các bộ, ngành, tôi đề nghị phải vào cuộc cùng thành phố Hà Nội xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng.
Đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48m, phía Đông Anh rộng 60m. Cầu Tứ Liên là cầu dây văng rộng 43m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500m, trụ tháp cao 185m); 2 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh…
* Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành đã tham quan Dự án xây dựng Trung tâm dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (tại xã Đông Hội và Xuân Canh, huyện Đông Anh).
Trung tâm có quy mô 90ha, nằm trong top 10 thế giới về tổng diện tích cũng như diện tích triển lãm. Tổ hợp bao gồm công trình triển lãm trong nhà mang hình ảnh thần Kim Quy với 9 phân khu (tổng diện tích hơn 130.000m2); 4 khu công viên triển lãm ngoài trời với tổng quy mô lên đến 20,6ha; 2 nhà triển lãm trong nhà quy mô nhỏ; trung tâm hội nghị; tòa tháp văn phòng hạng A; khách sạn 5 sao cùng các công trình phụ trợ đa dạng…
Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan dự án xây dựng Trung tâm Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Ảnh: Viết Thành
Làm việc với các bộ, ngành, đơn vị ngay tại công trường, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).
Thủ tướng chỉ đạo, về lâu dài phát triển Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia tại vùng đất Cổ Loa, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành biểu tượng mới của Hà Nội và cả nước về quy mô, văn hóa, kiến trúc, kết cấu, cảnh quan môi trường, quản trị; thể hiện tầm vóc quốc gia, xứng tầm truyền thống lịch sử, văn hóa, nhất là thể hiện thành quả đất nước sau 40 năm đổi mới của đất nước; trung tâm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ; nơi hội tụ, phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí...
Xây dựng Trung tâm thành Trung tâm hội chợ, triển lãm tầm cỡ của khu vực và thế giới, thông qua đó người dân được hưởng thụ thành quả phát triển, giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước và thế giới; nơi dân tộc hóa văn minh của nhân loại vào nước ta, quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc gửi tới bạn bè thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cùng với hoàn thiện các hạng mục chính của Trung tâm phải hoàn thiện đồng bộ công trình phụ trợ, dịch vụ, tiện ích kèm theo; khai thác hết không gian của Trung tâm; xây dựng, kết nối đồng bộ các hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông, hạ tầng hiện đại khác; đảm bảo cảnh quan môi trường…
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chỉ đạo việc triển khai dự án; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tiến độ, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền,” tiếp tục hoàn thiện Đề án tổ chức Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, đảm bảo tất cả các bộ, ngành, địa phương đều tham gia triển lãm thành tựu; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, show diễn lớn, coi đây là sự kiện khởi đầu cho những sự kiện văn hóa lớn về sau.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc các cơ chế, chính sách đặc thù cho Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, nếu cần có thể thuê tư vấn nước ngoài có năng lực, trình độ trong việc tổ chức sự kiện lớn, Việt Nam cũng cần phải có đội ngũ tiếp thu công nghệ, kiến thức; nhấn mạnh, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả, sản phẩm cụ thể”./.
Tuấn Lương - TTXVN