Phát biểu tại cuộc họp báo ở Damascus cùng nhà lãnh đạo mới của Syria Ahmed al-Sharaa, ông Sheikh Mohammed chỉ trích hành động của Israel chiếm đóng lãnh thổ gần Cao nguyên Golan ở miền nam Syria.
Ông Sheikh Mohammed với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Amman, Jordan vào ngày 4 tháng 11 năm 2023. Ảnh: USDS/Chuck Kennedy
"Việc Israel chiếm giữ khu vực đệm là hành động liều lĩnh và cần phải rút quân ngay lập tức", Thủ tướng Sheikh Mohammed nhấn mạnh.
Tháng trước, Israel đã điều động quân đội vào khu vực đệm nằm dọc theo Cao nguyên Golan, vốn là vùng phi quân sự được thiết lập theo thỏa thuận ngừng bắn năm 1974 do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Động thái này diễn ra sau khi ông Bashar al-Assad bị lật đổ bởi lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo.
Song song với việc triển khai quân, Israel cũng thực hiện hàng trăm cuộc không kích trên khắp Syria với lý do ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các nhóm "cực đoan", bao gồm cả HTS.
Ông Ahmed al-Sharaa cho biết Syria sẵn sàng đón tiếp lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào khu vực đệm.
"Sự tiến quân của Israel là do sự hiện diện của các lực lượng dân quân Iran và Hezbollah. Tuy nhiên, sau khi Damascus được giải phóng, tôi tin rằng họ không còn hiện diện nữa. Israel đang lợi dụng những cái cớ này để tiến sâu vào lãnh thổ Syria, bao gồm cả khu vực đệm", ông al-Sharaa phát biểu.
Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của Qatar trong việc gây áp lực buộc Israel rút quân: "Qatar sẽ đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp với các quốc gia phương Tây, châu Âu và Mỹ để tiếp tục gây sức ép với Israel".
Ngoài việc yêu cầu Israel rút quân, Thủ tướng Sheikh Mohammed cam kết Qatar sẽ hỗ trợ chính quyền mới của Syria trong công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề sau gần 14 năm nội chiến.
"Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để khôi phục hoạt động cơ sở hạ tầng và hỗ trợ lĩnh vực điện năng. Qatar luôn sẵn sàng hợp tác với anh em Syria cho các mối quan hệ đối tác trong tương lai", ông khẳng định.
Ngoài ra, Sheikh Mohammed cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Syria, nhấn mạnh rằng các biện pháp này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hỗ trợ và tái thiết đất nước.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã được áp đặt lên chính quyền của ông al-Assad do các cáo buộc vi phạm nhân quyền từ năm 2011, khi cuộc nổi dậy chống chính quyền bắt đầu.
Tuy nhiên, vào đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ đã cấp giấy phép tạm thời trong 6 tháng, cho phép thực hiện một số giao dịch với chính phủ Syria, bao gồm việc bán năng lượng và các giao dịch liên quan.
Dù không dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, biện pháp này nhằm đảm bảo các hoạt động nhân đạo và cung cấp dịch vụ công thiết yếu không bị cản trở.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ họp vào cuối tháng 1 để thảo luận về khả năng nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria.
Cao Phong (theo Al Jazeera, BBC, RT)