Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch trình Bộ Chính trị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự cuộc họp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cùng với Luật Quy hoạch, hiện nay có 60 luật, pháp lệnh liên quan đến công tác quy hoạch. Cả nước có 108/110 quy hoạch được phê duyệt. Trong quá trình thực thi và qua rà soát, phát sinh một số vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Quy hoạch là yêu cầu cấp bách nhằm tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo giữa các quy hoạch; bổ sung một số quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch quốc gia; cắt giảm thủ tục hành chính trong điều chỉnh quy hoạch; tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao tính khả thi của quy hoạch.
Việc điều chỉnh Luật Quy hoạch nhằm phù hợp với bối cảnh vận hành bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị sau sắp xếp và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; việc thực hiện các quy hoạch trong trường hợp có thay đổi về đơn vị hành chính; đảm bảo các quy hoạch thống nhất, đồng bộ, liên thông, tinh gọn, thích ứng cao, khả thi, hiệu quả…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc sửa Luật Quy hoạch được Bộ Chính trị, Quốc hội rất quan tâm, do đó cần đầu tư, nghiên cứu kỹ; giao Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch phải đảm bảo từ đây xử lý những vướng mắc trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Theo đó, Luật sửa đổi phải quy định rõ, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để đưa ra các định hướng mang tính chiến lược; phân cấp cho ngành, địa phương thực hiện quy hoạch ngành, tỉnh, trên nguyên tắc các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh phải cụ thể hóa, tuân thủ và không trái với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ để cho ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch trình Bộ Chính trị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Yêu cầu việc phân cấp quy hoạch để phát huy tối đa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, song tạo điều kiện phát huy tối đa nguồn lực của tỉnh, thành phố, bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch phải quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và thiết kế chế tài, công cụ để giám sát, kiểm tra theo tinh thần hậu kiểm, thay vì tiền kiểm.
Cũng trong ngày 1/7, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã họp đánh giá 1 năm thi hành Luật đất đai năm 2024; cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2024; phương án sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và khoáng sản.
Phạm Tiếp (TTXVN)