Thủ tướng Slovakia Robert Fico tới dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Động thái này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, trong bối cảnh cuộc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ 3.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Hội đồng Kinh tế Á-Âu ở Leningrad, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng xem xét đề xuất của Slovakia về việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Putin đánh giá cao vai trò trung lập của Slovakia, gọi đây là “một giải pháp thay thế có thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Thủ tướng Fico mô tả cuộc gặp với ông Putin là một “cuộc thảo luận sâu rộng” tập trung vào tình hình quân sự tại Ukraine và triển vọng chấm dứt xung đột thông qua các giải pháp hòa bình.
Chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Fico diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi hợp đồng cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine cho Slovakia sắp hết hạn vào cuối năm. Slovakia - một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga - đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về năng lượng khi Kiev từ chối gia hạn hợp đồng. Thủ tướng Fico nhấn mạnh rằng việc bảo đảm nguồn cung năng lượng là ưu tiên hàng đầu và chuyến đi của ông tới Moskva là một hành động cần thiết trong bối cảnh này.
Tuy nhiên, đề xuất hòa giải của ông Fico đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Lãnh đạo phe đối lập, ông Michal Simecka nhận định rằng thay vì đưa ra các đề xuất hòa giải, Thủ tướng Fico nên kêu gọi Nga chấm dứt chiến sự để thể hiện mong muốn hòa bình thực sự. Tại thủ đô Bratislava, một số cuộc biểu tình đã nổ ra ngay sau chuyến thăm, thể hiện lo ngại của một bộ phận người dân về khả năng Slovakia có thể nhượng bộ trước Moskva.
Mặc dù đề xuất hòa giải của Slovakia nhận được tín hiệu tích cực từ phía Nga, tuy nhiên việc hiện thực hóa sáng kiến này vẫn là một bài toán đầy thách thức. Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ gắn liền với những toan tính chính trị phức tạp mà còn chịu ảnh hưởng bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, con đường hướng tới hòa bình vẫn còn nhiều trở ngại, đòi hỏi không chỉ thiện chí mà còn cả những hành động thiết thực và sự đồng thuận từ cả hai bên.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo politico.eu/dw.com)