Chiều 24/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.
Sau khi nghe các ý kiến, báo cáo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận các ý kiến của các đại biểu; đồng thời yêu cầu các Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về pháp luật liên quan đến bất động sản, nhất là các nội dung có tính chất đòn bẩy, điểm tựa.
Cùng với đó, rà soát, sửa các nghị định, thông tư theo hình thức rút gọn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, công bằng, phù hợp với điều kiện đất nước và với thu nhập của người dân; để nhà ở thương mại, cùng với nhà ở xã hội và nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần cải thiện nhà ở cho nhân dân, đảm bảo quyền có nhà ở của nhân dân.
Điểm lại nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và kết quả phát triển thị trường bất động sản thời gian qua, cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc, giảm các thành tố cơ cấu nên giá thành bất động sản để giảm giá bất động sản; tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận bất động sản của người dân.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP.
Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền theo các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; cắt giảm các thủ tục hành chính, cương quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết; bãi bỏ các tiêu chuẩn, quy chuẩn không cần thiết, không phù hợp; xây dựng chính sách cho người mua nhà thiết thực, hiệu quả.
"Phải quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng đoạn thị trường bất động sản, không để người dân bị lừa đảo", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giải pháp liên quan giải phóng mặt bằng phù hợp tình hình, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Các địa phương rà soát các dự án vướng mắc về pháp lý, đề xuất cơ chế để tháo gỡ; quy hoạch phát triển bất động sản phù hợp, trong đó những vị trí đẹp, thuận lợi dành cho sản xuất, kinh doanh thì dành cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lâu dài; phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để phát triển bất động sản nhà ở ở những khu vực kém thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản. Ảnh: VGP.
Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, kịp thời tháo gỡ cho các dự án bất động sản còn khó khăn; nghiên cứu các thủ tục tích hợp các thủ tục đầu tư thành một nghị định; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư; nghiên cứu mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch đất do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng các Nghị quyết, nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; nghiên cứu ban hành quy định hỗ trợ hạ tầng thiết yếu cho thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội để phát triển bền vững; nghiên cứu phát triển thị trường bất động sản với nhiều loại hình, dịch vụ phù hợp quy luật phát triển và thực tiễn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát, tái cấu trúc danh mục dự án đầu tư, phù hợp nhu cầu của xã hội; rà soát các dự án đang triển khai bảo đảm tuân thủ; giảm giá, tiết kiệm chi phí để giảm giá nhà ở, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hoàn thiện thủ tục pháp lý sớm triển khai các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.
Thủ tướng chỉ đạo, phải quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng đoạn thị trường bất động sản, không để người dân bị lừa đảo. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2025 số dự án phát triển nhà ở thương mại tăng so với quý IV/2024 và so với cùng kỳ. Trong đó có thêm 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng, với quy mô hơn 3.800 căn, tăng 40%; có 26 dự án được cấp phép mới với quy mô gần 16.000 căn, tăng 44%; 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với khoảng 20.000 căn, tăng 55%; có 994 dự án đang triển khai xây dựng, với quy mô gần 400.000 căn.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở, trong quý I/2025 có 17 dự án hoàn thành với hơn 4.400 lô/nền; 490 dự án đang triển khai với quy mô hơn 19.000 lô/nền; có 11 dự án được cấp phép với quy mô khoảng 3.400 lô/nền.
Lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều tăng so với quý trước. Trong đó có hơn 33.000 giao dịch thành công về căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, tăng 32% so với quý IV/2024 và hơn 101.000 giao dịch đất nền thành công, tăng hơn 16%.
Nhìn chung trong quý I/2025, giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng tăng nhưng mức độ tăng của mỗi loại hình tại mỗi thời điểm, mỗi vị trí, mỗi khu vực ở mỗi địa phương khác nhau.
Về phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch hơn 1.300 vị trí với quy mô hơn 9.700 ha đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, hiện cả nước đã có 679 dự án được triển khai với quy mô hơn 623.000 căn, trong đó có 108 dự án hoàn thành với 73.000 căn và 155 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô hơn 132.000 căn.
Theo tính toán, có 22 tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội với gần 48.000 căn; trong khi 22 địa phương khác khó hoàn thành chỉ tiêu, với hơn 23.000 căn; đặc biệt 19 tỉnh chưa triển khai dự án nhà ở xã hội.
Linh Đan