Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay (8/5) chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các nội dung trong "bộ tứ chiến lược" khi được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ có tác động cộng hưởng tích cực với nhau.
Trong khi đó, việc xây dựng dự thảo nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài nhưng chưa có trong các dự án luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách chiều 8/5. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính "đòn bẩy, điểm tựa", sát với tình hình; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
"Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng.
“Chính sách phải đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn” - Thủ tướng cho hay.
Lưu ý cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc đào tạo nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở đào tạo.
Với việc đặt hàng, giao nhiệm vụ doanh nghiệp, ông nêu rõ không có giới hạn về lĩnh vực hay quy mô công trình, dự án. Bên cạnh đó, cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ cũng phải được nhấn mạnh hơn nữa.
Thế Vinh