Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane, Lào (tháng 10/2024). (Nguồn: VGP)
Đại sứ đánh giá như thế nào về bối cảnh chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và kỳ vọng lớn nhất của Đại sứ về chuyến thăm?
Thái Lan và Việt Nam có quan hệ gắn bó gần gũi và nồng ấm trên mọi bình diện, bao gồm cả giao lưu nhân dân. Chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra lần này mang nhiều ý nghĩa khi hai nước hướng tới thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới; tiếp tục phối hợp để tăng cường quan hệ thông qua hoạch định chiến lược chung, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm.
Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya. (Ảnh: Hà Phương)
Chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm phù hợp khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao - một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Việc Thủ tướng Chính phủ hai nước gặp gỡ và trao đổi sẽ gửi tín hiệu đến tất cả các ngành, các cấp để cùng nhau tích cực phối hợp, đưa ra các sáng kiến mới, hướng tới kỷ niệm trong năm sau.
Bên cạnh đó, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực trong đó có Thái Lan và Việt Nam đang phải đối mặt với sự bất ổn của tình hình quốc tế và sự thay đổi khó lường về địa chính trị, địa kinh tế.
Do đó, đây là dịp để lãnh đạo hai nước cùng trao đổi để tìm ra các giải pháp, cùng nhau hợp tác để vượt qua những khó khăn hiện tại, củng cố vững chắc hợp tác kinh tế và quan hệ trong khu vực, nhất là khi chúng ta đều là thành viên của ASEAN.
Theo Đại sứ, đâu sẽ là những điểm nhấn quan trọng trong trao đổi giữa các nhà lãnh đạo nhân dịp này cũng như ý nghĩa của các trọng tâm này đối với việc thúc đẩy hợp tác song phương trong giai đoạn mới?
Nội dung trao đổi giữa lãnh đạo hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ khá toàn diện, từ hợp tác chính trị, an ninh mạng, thương mại điện tử... Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu cần tăng cường kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD. Đại sứ quán và các cơ quan phía Thái Lan đang hết sức phấn đấu cho mục tiêu này.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ trong khu vực và trên thế giới, kim ngạch thương mại song phương vẫn tăng 6 % so với năm ngoái. Hiện nay kim ngạch thương mại đã đạt 20 tỷ USD và chắc chắn hai bên sẽ trao đổi về các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho thương mại chung giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya tháng 2/2025. (Nguồn: VGP)
Hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực logistics. Mặc dù hai nước không có đường biên giới chung nhưng chúng ta ở gần nhau, di chuyển từ Nakhon Phanom đến Hà Tĩnh chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Chúng ta có tuyến quốc lộ R9, R12 giúp di chuyển rất thuận tiện.
Thái Lan cũng như Việt Nam đều có kế hoạch phát triển tuyến đường sắt, do vậy, hai bên có nhiều dư địa hợp tác vận tải hàng hóa từ Thái Lan qua Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện nay có một lượng lớn hàng hóa Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam và xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là mặt hàng hoa quả.
Hàng năm, nông dân Thái Lan thường xuất khẩu hoa quả từ tỉnh Chanthaburi, hiện đang là mùa hoa quả (sầu riêng, măng cụt) được vận chuyển qua Việt Nam. Tôi từng tới thăm quan cửa khẩu và nhận thấy phía Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông rất đồng bộ.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về lĩnh vực hợp tác đầu tư. Các nhà đầu tư Thái Lan đã vào đầu tư tại Việt Nam rất sớm. Một số doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam được 30 năm, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Qua việc tiếp xúc với khối doanh nghiệp, tôi nhận thấy các nhà đầu tư đều rất tin tưởng vào tiềm năng và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư số 1 của Thái Lan tại nước ngoài.
Các nhà đầu tư Thái Lan luôn đứng trong top 10 các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên tới 14 tỷ USD với đa dạng các lĩnh vực, điển hình là các trung tâm thương mại của tập đoàn Central Retail, các khu công nghiệp của tập đoàn Amata, WHA... Ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác như SCG, hiện đang kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như hóa dầu với mức đầu tư rất lớn (có dự án trên 4 tỷ USD), vật liệu xây dựng, bao bì đóng gói… Nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng đang quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo, hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Tôi mong rằng, nhân dịp này, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam để động viên, thúc đẩy doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục tin tưởng vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Paethongthan đã được thông tin và nắm được sự kỳ vọng của khối tư nhân về việc đề xuất Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện, thúc đẩy và có các biện pháp tăng cường lòng tin cho doanh nghiệp. Đối với một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực kinh doanh, chúng tôi mong muốn sẽ có những giải pháp để tháo gỡ, đây là kỳ vọng từ nhiều phía.
Về mặt giao lưu nhân dân, đối với bà con người Thái gốc Việt, người thân của họ vẫn ở Việt Nam nên có nhu cầu đi lại, thăm hỏi lẫn nhau. Việc đi lại, du lịch giữa hai nước hiện nay rất thuận lợi. Người Việt có thể ở lại Thái Lan 60 ngày không cần visa. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan trong chuyến thăm Việt Nam gần đây cũng đã trao đổi với phía Việt Nam để thúc đẩy du lịch “6 quốc gia, 1 điểm đến”.
Với số lượng lớn người Thái Lan nói riêng và người dân các nước ASEAN nói chung muốn đến Việt Nam du lịch hoặc thăm người thân, tôi mong rằng Việt Nam có thể mở rộng các chuyến bay, cũng như các phương tiện di chuyển qua đường bộ hoặc đường thủy giữa các quốc gia ASEAN, nhằm đẩy mạnh du lịch và giao lưu giữa các quốc gia với Việt Nam.
Chương trình kết nối Lào Cai-Thái Lan với chủ đề: "Lào Cai - điểm đến thành công" tháng 8/2024. (Nguồn: Báo Lào Cai)
Chiến lược "Ba kết nối" được lãnh đạo Việt Nam và Thái Lan thông qua vào tháng 11/2022. "Kết nối" có vai trò như thế nào trong hợp tác song phương, thưa Đại sứ?
Song song với đó, hai nước cần thúc đẩy chiến lược “Ba kết nối”, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Với lợi thế về mặt vị trí địa lí của hai nước, ba kết nối bao gồm: Kết nối chuỗi cung ứng, kết nối kinh tế địa phương và kết nối các chiến lược phát triển bền vững.
Nếu chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ kết nối thì các sản phẩm địa phương của Việt Nam (OCOP) sẽ tiếp cận thị trường Thái Lan rất thuận tiện, bởi vì, hai nước đều ưa chuộng sản phẩm của nhau. Ngoài ra chúng ta còn có kết nối hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Hai nước đều đề ra các chính sách phát triển bền vững, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế thân thiện với môi trường đối với tất cả các ngành.
Chúng tôi ủng hộ việc dạy tiếng Việt tại Thái Lan và tại Việt Nam chúng tôi cũng khuyến khích việc dạy và học tiếng Thái Lan. Thời gian qua, khối doanh nghiệp Thái Lan luôn có nhu cầu tuyển dụng những sinh viên biết tiếng Thái vào làm việc.
Hơn nữa, khi chúng ta kỳ vọng ngày càng đón nhiều khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam, việc có những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, du lịch có thể sử dụng được tiếng Thái Lan sẽ đáp ứng được nhu cầu của ngành du lịch với lượng khách Thái Lan sang Việt Nam ngày càng nhiều.
Ngoài ra, Việt Nam đang có những bước phát triển lớn về lĩnh vực công nghệ xuất phát từ tầm nhìn của Lãnh đạo Việt Nam khi chú trọng phát triển kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, AI, robotics... Tôi cho rằng đây cũng sẽ là những nội dung mới mà lãnh đạo hai nước có thể cùng thảo luận trong dịp này.
Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nakhon Phanom. (Nguồn: Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Thái Lan vào tháng 7/1928 (sau 17 năm tìm đường cứu nước) và bắt đầu hành trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Thái Lan đã có 3 khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành cầu nối quan trọng của tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước. Đại sứ có thể chia sẻ sâu hơn về những cầu nối quan trọng này?
Trước tiên tôi xin được gửi lời chúc mừng tới nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn và vô cùng vinh dự được tham dự vào hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua. Đây là sự kiện hoành tráng nhất mà tôi từng tham dự, được tổ chức long trọng và rất đáng tự hào.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Thái Lan chúng tôi vẫn thường gọi Người với cái tên thân mật là “Bác Hồ”, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không tôn trọng Người mà bởi chúng tôi coi Người là một phần của Thái Lan.
Tôi là sinh viên chuyên ngành chính trị, từng được tìm hiểu về vai trò của Người qua các giáo trình học và hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ có đức hy sinh và đã thực sự dành được tình cảm của nhân dân không chỉ người dân Việt Nam mà cả người dân Thái Lan. Bác Hồ ở Thái Lan với khoảng thời gian vỏn vẹn một năm nhưng người dân Thái Lan vẫn ca ngợi về Người cho đến tận ngày nay.
Bác Hồ có công lao không chỉ trong việc vun đắp quan hệ giữa hai nước mà còn trong việc "trồng người" và tinh thần nhân ái, luôn nghĩ tới người dân trước tiên. Chúng tôi rất quan tâm đến những nơi Người từng sinh sống và đã xây dựng những khu tưởng niệm Người tại Thái Lan. Nơi đây không chỉ có người Thái gốc Việt tới thăm mà người dân Thái Lan cũng đến tham quan và tưởng nhớ tới Người.
Năm ngoái khi tôi vừa đến nhận nhiệm kỳ công tác, có dịp được tham dự Triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật. Những bức chân dung của Hồ Chủ tịch này lại do một người Thái Lan chưa từng được học về hội họa vẽ về Người theo hình dung của mình và đã vẽ những bức chân dung của Người rất đẹp.
Để tưởng nhớ đến nơi Người từng sinh sống, phố Việt Nam tại tỉnh Udon đã được thành lập. Tôi cho rằng Bác Hồ là tấm gương mẫu mực không chỉ với người dân Việt Nam, công lao to lớn của Người luôn được khắc ghi trong lịch sử thế giới. Tôi luôn dành sự kính trọng lớn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Hà Phương (thực hiện)