Bộ Xây dựng cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm, với 13 dự án thành phần. Các dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Một số dự án tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu, như Dự án thành phần 1, 3 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, cầu Rạch Miễu 2. Các dự án còn lại chậm so kế hoạch do thời gian đầu thiếu vật liệu, một số nhà thầu còn chậm trong thi công.
Quang cảnh cuộc họp.
Theo Bộ Xây dựng, tổng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án trong vùng hơn 57,5 triệu m3, các địa phương đã cấp phép khai thác hơn 54,5 triệu m3, đang thực hiện thủ tục cấp phép khai thác 13,9 triệu m3 để đáp ứng công suất theo tiến độ các dự án. Về vật liệu đá, tổng nhu cầu hơn 9,3 triệu m3, đã khai thác đưa về công trường gần 1,7 triệu m3, các dự án hoàn thành năm 2025 cơ bản đảm bảo.
Dù vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, công suất khai thác, cung ứng vật liệu cát, đá chưa đáp ứng tiến độ các dự án. Bộ Nông nghiệp và Môi trường chưa hoàn thành đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực ĐBSCL, để làm cơ sở các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ.
Với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, để phấn đấu hoàn thành vào tháng 7/2026, cần hoàn thành gia tải nền đường chậm nhất tháng 8/2025. Dự án Cao Lãnh - An Hữu mục tiêu hoàn thành năm 2025, nhưng còn một số khó khăn nên khó đạt.
Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn kiến nghị điều chuyển cát từ dự án Cần Thơ – Cà Mau trở lại cho dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Đồng thời, dự án chia làm 4 dự án thành phần do 4 tỉnh làm chủ đầu tư, nên có thể các địa phương đang "chờ nhau" trong cách xử lý nền đất yếu. Nhà thầu đề xuất thay đổi toàn bộ kết cấu áo đường, từ gia cố xi măng sang cấp phối đá dăm đồng bộ trên toàn tuyến, vừa tiết kiệm được cát gia tải, giá thành không đổi.
Ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) cho biết, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư tại ĐBSCL đến nay không còn vướng mắc gì. “Thời gian đầu có những khó khăn, chậm tiến độ, về sau các địa phương vào cuộc phối hợp xử lý rất tốt, mong phát huy thời gian tới”, ông Thi nói.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo tại cuộc họp.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, nguồn cát thời gian qua còn khó khăn khi mỏ cát tại An Giang phải chia sẻ cho dự án Cần Thơ - Cà Mau để tập trung hoàn thành trong năm 2025. Trong khi mỏ cát tại Bến Tre được khai thác nhưng công suất và khối lượng hạn chế so với nhu cầu, chất lượng cát trung bình, phải sàng rửa nhiều mới sử dụng được.
UBND TP. Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang, An Giang tiếp tục hỗ trợ cấp phép mỏ cát cung ứng đủ cho các dự án cao tốc qua địa bàn.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai các dự án trọng điểm vùng ĐBSCL. Trong đó có những phương pháp làm rất đặc biệt, vừa làm vừa hoàn chỉnh, không cầu toàn, nóng vội, để đến hôm nay hoàn thành khối lượng rất lớn trong điều kiện nhiều khó khăn trong nước và quốc tế.
Thủ tướng cũng cảm ơn nhân dân nơi có dự án đi qua, đã nhường nơi chôn rau cắt rốn, nơi sinh kế, nơi thời tự… để giao mặt bằng cho dự án, để phấn đấu hoàn thành cao tốc trục dọc trong năm nay, cao tốc trục ngang trong năm tới. Phấn đấu nối cao tốc từ Cà Mau đến Đất Mũi và từ Đất Mũi tới Hòn Khoai, để vùng ĐBSCL có 1.300km cao tốc.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất về kỹ thuật trong gia tải nền đường do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đề xuất, và giao các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể. Về thủ tục chuyển tiếp giấy phép khai thác mỏ vật liệu, phần cát vượt nhu cầu, Thủ tướng giao các bộ hướng dẫn để địa phương thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những bài học quý báu trong thực hiện các nhóm giải pháp đã chỉ đạo suốt những năm qua: Cả hệ thống chính trị vào cuộc; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn thăm hỏi, vận động nhân dân giao mặt bằng, động viên công nhân trên công trường; phát động phong trào, phát huy tính đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đồng thời, phát huy tính tự lực tự cường, đặc biệt các tỉnh, thành khi được giao làm chủ đầu tư các dự án trọng điểm; sự phối hợp của các cấp, bộ, ngành, cấp trên tin cấp dưới, hỗ trợ lẫn nhau; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, khó khăn đến đâu đâu thì gỡ đến đó.
“Có thể nói, không việc gì không thể, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, kết quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng phát biểu.
Công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ.
Định hướng nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng lưu ý, với kinh nghiệm đã có, các bộ ngành, địa phương tiếp tục củng cố bản lĩnh, làm nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn để phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL và những hạ tầng khác. Với tinh thần, thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa, trong phát triển hạ tầng chiến lược cho vùng, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh đường bộ, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chủ động, triển khai các phương thức vận chuyển khác gồm hàng không (mở rộng các sân bay Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau); cảng biển (cảng Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai); giao thông thủy nội địa... Riêng với đường sắt TPHCM – Cần Thơ, cố gắng khởi công năm 2027.
“Tiến hành đồng bộ các phương thức giao thông, cùng làm cùng hưởng, cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, cùng phát triển, cùng hưởng niềm vui hạnh phúc. Phương châm là ‘3 có’ - có lợi ích Nhà nước, có lợi ích doanh nghiệp, có lợi ích cho nhân dân; '2 không’ - không động cơ cá nhân, không có tham nhũng tham ô, tiêu cực; vướng mắc cấp nào thì cấp đó giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cảnh Kỳ