Ngày hội do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn và UBND TPHCM tổ chức. Cùng dự có Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cùng đại diện các bộ, ngành.
Chia sẻ với học sinh, sinh viên (HSSV) trong ngày hội khởi nghiệp, Thủ tướng chia sẻ, chặng đường 50 năm thống nhất đất nước là hành trình để ghi nhớ những trang sử hào hùng của dân tộc, chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu, xây dựng, phát triển đất nước.
“Nhìn lại để tiến xa hơn, nhìn lại để trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn, cùng hướng tới tương lai với hào khí, niềm tin và động lực mãnh liệt, sắt son", Thủ tướng nói.
Ông nhắc nhở thế hệ trẻ rằng, để giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đất nước có được hòa bình, thống nhất, phát triển ổn định như hôm nay là máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, trong đó có hàng triệu triệu thanh niên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gian hàng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ảnh: Moet
“Trân quý độc lập tự do, hiểu được giá trị hòa bình, biết ơn sự hi sinh anh dũng của biết bao thế hệ đi trước để tự soi chiếu và nhìn nhận trách nhiệm của bản thân với dân tộc, đất nước, gia đình, xã hội và với chính bản thân mình", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhắc tới sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong từng giai đoạn của đất nước. Ông khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng vai trò của thanh niên. Sẵn sàng trao sứ mệnh tiên phong cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với phương châm: Thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh.
Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, đất nước đã đạt một số kết quả tích cực về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp. Sau 7 năm triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã có những kết quả nhất định.
Theo Thủ tướng, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội. Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài chính hỗ trợ HSSV đưa sản phẩm ra thị trường. Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, vườn ươm tạo.
Các trường đại học, phổ thông triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp phải tăng cường kết nối. Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình “thanh niên khởi nghiệp”.
Đối với HSSV, Thủ tướng kỳ vọng họ tạo ra sự đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; Góp phần đưa kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; Góp phần đưa đất nước vươn mình trong hội nhập quốc tế...
“Mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” - gọi là đề án 1665.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết kể từ khi triển khai đề án 1665, đến nay nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của nhiều cấp học, nhất là bậc ĐH-CĐ.
Bà Chi nhấn mạnh đề án 1665 đã hình thành và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong môi trường giáo dục; khơi nguồn sáng tạo và phát triển tư duy đột phá trong HSSV; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới phương pháp giáo dục; góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hoạt động khởi nghiệp trong HSSV đã mở ra cơ hội kết nối sâu rộng, hội nhập mạnh mẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế; góp phần xây dựng cộng đồng khởi nghiệp - quốc gia khởi nghiệp…
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, phía sau kết quả là không ít lực cản, điểm nghẽn như ý tưởng khởi nghiệp của nhiều HSSV chỉ dừng lại trên giấy, hơn là dự án có khả năng chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ; Tổ chức hoạt động khởi nghiệp còn thiên về phong trào, thiếu chiều sâu; Không ít HSSV vẫn e ngại khởi nghiệp vì sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ va vấp...
Lê Huyền