Sáng 18/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025. Đây là phiên họp thứ 2 trong tháng 4, thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khóa XV 63 tài liệu, báo cáo, trong đó có 37 luật, nghị quyết quy phạm. Đây là số lượng văn bản lớn, quan trọng, có tác động sâu rộng.
Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 dự án luật quan trọng nhằm tạo bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo ra động lực mới cho phát triển.
Năm dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương; "1 luật sửa 7 luật" để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp thực tiễn.
Quang cảnh phiên họp sáng 18/4 (Ảnh: VGP).
Thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 (dự kiến ngày 5/5) không còn nhiều nhưng khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, nhiệm vụ nặng nề, phạm vi rộng, yêu cầu rất cao, tính chất phức tạp. Do đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan đầu tư nhiều thời gian, công sức, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận các bộ, ngành, địa phương rất chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng pháp luật. Thủ tướng đề nghị, quá trình tổ chức triển khai thực hiện pháp luật hiện nay phải rất nhanh, phù hợp và hiệu quả. Nếu không sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai, sẽ lạc hậu, bỏ lỡ cơ hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt yêu cầu bỏ tư duy không quản được thì cấm; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa với cơ chế kiểm tra, giám sát; phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi; cắt bỏ toàn bộ thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; tăng cường thẩm quyền xử phạt hành chính với chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng; đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời gian, tiến độ, để khi luật có hiệu lực được tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm hiệu quả.
Với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa", đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, đòi hỏi phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận để giải quyết vấn đề; bám sát và tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 24 dự án luật, nghị quyết quan trọng.
Tuần trước, Chính phủ tổ chức họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết.
Linh Đan