Sáng 16-4, tại thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo chuyên đề tại hội nghị. Ảnh: Phạm Thắng
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030".
Phải tăng trưởng cao hơn 8%
Khái quát một số nét chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến nhiều vấn đề nổi bật như cuộc cách mạng về tổ chức, sắp xếp bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết về mục tiêu tăng trưởng, chúng ta đã đặt mức 6,5%-7% nhưng sau đó nhận thấy nếu như vậy rất khó hoàn thành 2 mục tiêu chiến lược 100 năm vào năm 2030 và 2044. Vì vậy, năm 2025, Chính phủ xác định phải tăng trưởng cao hơn 8% để có tiền đề tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo. Cùng với đó cũng thống nhất xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia. Thủ tướng đề nghị hoàn thiện, bổ sung những nội dung này vào các văn kiện sắp tới.
Chia sẻ thêm về những điểm mới trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Với Việt Nam, chúng ta xác định 3 trụ cột là: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.
"Định hướng xuyên suốt của 3 trụ cột này là lấy người dân làm trung tâm, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và lưu ý thêm tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.
Nhìn lại chặng đường 40 năm đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định đất nước đã đạt nhiều thành quả. Khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam vẫn đang chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và phải tập trung khắc phục. Quy mô nền kinh tế đất nước khi đó chỉ khoảng 4 tỉ USD nhưng đến năm 2024, quy mô nền kinh tế đã đạt hơn 470 tỉ USD, dự kiến năm 2025 đạt 510 tỉ USD.
GDP bình quân đầu người từ trên 100 USD, đến nay đã đạt hơn 4.700 USD. Đi kèm với đó, chúng ta vẫn đảm bảo những mục tiêu lớn về giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, nâng cao chỉ số hạnh phúc.
"Chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng chúng ta không chủ quan vì con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn" - Thủ tướng khẳng định.
Nhấn mạnh "từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có năm nào không khó khăn", dù vậy, người đứng đầu Chính phủ quán triệt quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026 - 2030, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Nêu rõ về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng nhắc đến sự phát triển "như vũ bão" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đánh giá sự phát triển này đang làm chuyển đổi trạng thái hoạt động của con người nhưng Thủ tướng lưu ý điều quan trọng nhất là "không để trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta". Thủ tướng nhấn mạnh phải làm tốt vấn đề an ninh mạng, giữ vững độc lập chủ quyền trên cả không gian mạng.
Về phát triển đất nước trong tình hình mới, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận có khó khăn và cơ hội đan xen nhưng thách thức nhiều hơn. "Chúng ta phải nhận định đúng để chủ động về chiến lược". Trong đó, Thủ tướng nhắc đến tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt, đó là phải tháo gỡ về thể chế, trong đó dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", để giải phóng toàn bộ sức sản xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức như đại dịch hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng. "Trong bối cảnh hiện nay càng phải độc lập, tự chủ, đẩy mạnh động lực tăng trưởng về tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh động lực xuất khẩu gặp khó khăn" - Thủ tướng lưu ý.
Đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân. Đi kèm với đó, Thủ tướng quán triệt cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa.
Văn Duẩn