Thủ tướng: Xây dựng tập đoàn lớn ngành đường sắt, sản xuất được toa xe, đầu máy

Thủ tướng: Xây dựng tập đoàn lớn ngành đường sắt, sản xuất được toa xe, đầu máy
2 ngày trướcBài gốc
Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt được Thủ tướng thành lập ngày 15/3 để giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án: Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) và các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đường sắt
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Trong đó, yêu cầu “phải có tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, thoát khỏi lối mòn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt. Ảnh: VGP
"Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.
Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã xác định đường sắt là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.
Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các khoa đường sắt tại trường đại học, đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư.
Đồng thời, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.
Danh mục dự án, công trình trọng điểm
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TPHCM, tốc độ thiết kế 350 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 1,71 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), với thời gian thực hiện dự kiến từ 2025 đến 2035.
Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với khổ đường 1.435mm, phục vụ cả hành khách và hàng hóa, có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và tuyến nhánh 27,9km. Tổng mức đầu tư ước tính 8,369 tỷ USD, giai đoạn 1 sẽ xây dựng đường đơn nhưng giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi, dự kiến hoàn thành từ 2025-2030.
Ngoài ra, các tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (156km) và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái (187km) sẽ kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc, mở ra cơ hội giao thương lớn.
Về đường sắt đô thị, Hà Nội dự kiến xây dựng 15 tuyến và TPHCM xây dựng 10 tuyến, nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống tại các đô thị lớn.
Thủ tướng cũng yêu cầu thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của các dự án đường sắt, “làm việc nào dứt việc đó” với 6 “rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền).
Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng theo hướng tách thành dự án riêng, khi có hướng tuyến thì giao các địa phương giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư các nhà ga.
Về nguồn lực, Thủ tướng chỉ đạo đa dạng hóa các kênh huy động vốn như vốn nhà nước, vốn vay, trái phiếu công trình, hợp tác công tư (PPP), khai thác mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông), đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí.
Thủ tướng lưu ý, với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các dự án phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thế Vinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thu-tuong-xay-dung-tap-doan-lon-nganh-duong-sat-san-xuat-duoc-toa-xe-dau-may-2385792.html