Thủ tướng: Xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường

Thủ tướng: Xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường
8 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Một trong những nội dung quan trọng tại chỉ thị này, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền địa phương. Ảnh minh họa
Xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa vào nội dung đánh giá, kiểm điểm định kỳ công tác chỉ đạo, điều hành, phân loại cán bộ, bình xét thi đua; kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời đối với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động về quản lý, xử lý chất thải, nước thải, khí thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của địa phương. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chưa hoàn thành việc lắp đặt phải khẩn trương hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc liên tục tự động theo quy định. Công khai nội dung, tiến độ, thời hạn thực hiện các chương trình, đề án, dự án giải quyết các vấn đề về môi trường để các cơ quan, tổ chức, nhân dân tham gia phản biện, giám sát việc thực hiện (Thực hiện đầy đủ từ Quý III/2025).
Chủ động đầu tư lắp đặt và khai thác hệ thống camera an ninh, camera giám sát; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hệ thống camera an ninh, camera giám sát của Bộ Công an trong công tác giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường. Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước tự động, trực tuyến, công bố trên cổng/trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan và đồng bộ với hệ thống giám sát của quốc gia (Triển khai thực hiện từ Quý III/2025 và có lộ trình cụ thể để hoàn thiện trong năm 2026).
Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực quốc tế để xử lý và khắc phục nguồn ô nhiễm đối với các khu vực ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện xử lý triệt để; dành nguồn lực đất đai và cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng chuyển đổi xanh, sản xuất phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, hoạt động tái chế chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng hiệu quả chất thải và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường từ hoạt động tái chế (Triển khai thực hiện từ Quý III/2025 và có lộ trình cụ thể các năm tiếp theo).
Nghiên cứu đề xuất nâng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hoặc giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải và có cơ chế sử dụng nguồn kinh phí này chủ yếu để đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung (Thực hiện từ năm 2025).
Tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án, các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường nhằm sớm đạt được các mục tiêu kiểm soát, khắc phục ô nhiễm trong năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030, đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu về môi trường nước, không khí, trọng tâm là:
- Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án tăng cường năng lực thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các đô thị và nông thôn; quản lý chất lượng môi trường nước mặt; cải tạo, phục hồi môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, điểm tập kết, bãi chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường (Triển khai từ Quý III/2025, có mục tiêu, lộ trình cụ thể từng năm).
- Triển khai xác định vùng phát thải thấp theo quy hoạch bảo vệ môi trường và có lộ trình cụ thể thực hiện biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp đã xác định (Thực hiện trong năm 2025, bổ sung trong các năm tiếp theo).
- Đầu tư phát triển theo lộ trình cụ thể hệ thống quan trắc không khí tự động ở các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị; tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn (Triển khai từ Quý III/2025).
- Chỉ đạo tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng và đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng để ngăn chặn ô nhiễm không khí do bụi, nhất là tại khu vực đô thị, đường vành đai; chỉ đạo các đơn vị dịch vụ công ích có giải pháp thu gom thường xuyên và triệt để các loại rác thải tại các khu vực công cộng; kiểm tra, có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường (Thực hiện từ Quý III/2025).
- Rà soát, đánh giá nhu cầu, tình hình thực tế và bổ sung về cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ thiết yếu (ở các khu dân cư, nơi công cộng, tuyến giao thông) tạo điều kiện để người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về môi trường, nhất là việc thực hiện quy định về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, chấm dứt tình trạng xả thải, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị (Hoàn thành việc rà soát và xây dựng lộ trình thực hiện trong Quý III/2025).
Minh Vũ
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/thu-tuong-giao-ha-noi-trien-khai-ngay-lo-trinh-khong-co-xe-gan-may-dung-nhien-lieu-hoa-thach-trong-vanh-dai-1-179250713103106679.htm