Thủ tướng yêu cầu đến tháng 7-2026, không có xe mô tô, xe gắn máy xăng chạy ở Vành đai 1 (Hà Nội)

Thủ tướng yêu cầu đến tháng 7-2026, không có xe mô tô, xe gắn máy xăng chạy ở Vành đai 1 (Hà Nội)
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 12-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, Thủ tướng đánh giá hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...
Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Riêng địa bàn TP Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay hàng loạt giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết có hiệu quả rõ nét tình trạng ô nhiễm môi trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về môi trường, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 2 cấp.
Thủ tướng đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng. Ảnh: VGP
Quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý bảo đảm nguyên tắc "6 rõ", ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền...
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời đối với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động về quản lý, xử lý chất thải, nước thải, khí thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường liên tục tự động trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III-2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Hà Nội phải cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết 188.
Đồng thời, Hà Nội cũng phải ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Ban hành trước ngày 30-9.
Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xây dựng lộ trình cụ thể từ quý III-2025 và điều chỉnh hằng năm.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1-7-2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Từ ngày 1-1-2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, triển khai đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại các đoạn sông, kênh, rạch khu vực nội thành; đề án thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, thực hiện trong quý 3-2025.
Cạnh đó, triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1. Thực hiện từ quý 4-2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Điều tra xử lý triệt để tội phạm môi trường
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.
Trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, phải chú ý mở rộng điều tra, xác minh các hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, các đối tượng, hành vi có mục đích chống đối, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự.
Cần phát hiện, kiến nghị, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết triệt để theo thẩm quyền tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, làng nghề, lưu vực sông, khu vực tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khu dân cư tập trung, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra tình trạng phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường phức tạp.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ NN&MT nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe.
Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra chuyên đề về thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các địa bàn để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án có sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường có dấu hiệu sai phạm, chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm.
Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định, thực hiện ngay từ quý III-2025.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-den-thang-7-2026-khong-co-xe-mo-to-xe-gan-may-xang-chay-o-vanh-dai-1-ha-noi-post860081.html