Nhiều dự án giao thông trọng điểm đáp ứng tiến độ
Sáng 14/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: VGP
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng năng động bậc nhất của cả nước, một cực tăng trưởng với sự phát triển của đất nước. Vùng có Thủ đô Hà Nội, là trái tim của cả nước; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước…
Vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không và cảng biển quốc tế; là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,8%, chỉ đứng sau vùng trung du và miền núi phía Bắc (9,1%). Tổng thu ngân sách Nhà nước của vùng năm 2024 đạt trên 882,65 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 43,4% tổng thu ngân sách cả nước (tăng 22% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao), cao nhất trong các vùng kinh tế.
Xuất khẩu năm 2024 đạt trên 132 tỷ USD, chiếm gần 32,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước, cao nhất trong các vùng kinh tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2024 cao nhất trong các vùng kinh tế: Tính đến hết năm, vùng Đồng bằng sông Hồng có số vốn đầu tư đăng ký cao nhất với tổng vốn đạt 20 tỷ USD, chiếm gần gần 53% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Có 4 địa phương (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội) nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu, Quảng Ninh có bước đột phá lần đầu tiên đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút FDI năm 2024.
Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm khác trong Vùng đang khẩn trương thực hiện đáp ứng các tiến độ đề ra như: Tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô; tuyến cao tốc qua địa phương Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và đang khẩn trương hoàn thành các bến cảng số 3, số 4, số 5, số 6 tại Lạch Huyện, các tuyến đường ven biển để sớm thông toàn tuyến từ Quảng Ninh tới Nghệ An, các tuyến đường có tính kết nối vùng, liên vùng.
Ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, môi trường các dòng sông là những vấn đề cấp bách
Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian qua, đóng góp quan trọng cho thành tựu chung của đất nước.
Ùn tắc giao thông trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương (Hà Nội)
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số điểm nghẽn, nút thắt.
Theo đó, ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, môi trường các dòng sông là những vấn đề cấp bách. Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa bắt kịp với xu thế của thời đại, kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Phát triển công nghiệp, các dự án FDI còn có những hạn chế, chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành.
Việc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh tại một số địa phương còn chậm, chưa thực sự quyết liệt. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn chưa chặt chẽ. Đầu tư công chưa phát huy vai trò dẵn dắt. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn có những hạn chế.
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "2 con số".
Thứ nhất, cụ thể hóa, xây dựng ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2025 của Chính phủ.
Thứ hai, quyết liệt hơn nữa tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, rà soát các luật, nghị định, thông tư, chỉ rõ vướng mắc nào, ở đâu, ai giải quyết, làm như thế nào.
Thứ ba, hoàn thiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đi vào vận hành bộ máy mới trong quý I/2025.
Thứ tư, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này, hoàn thành trong tháng 1/2025.
Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư và mọi nguồn lực xã hội.
Thứ sáu, tích cực, chủ động, hiệu quả triển khai kết nối vùng, đặc biệt là kết nối giao thông với các dự án như đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, các cầu của Hà Nội (trong đó cầu Phù Đổng, cầu Tứ Liên phải khởi công trong thời gian từ nay đến 30/4/2025); cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng khởi công các đoạn còn lại trong quý I; khởi động tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc (Hà Nội); khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025; tháo gỡ các dự án tồn đọng, kéo dài…
Về các vấn đề cấp bách, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân… báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý I/2025. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực phát triển, giải ngân đầu tư công.
L.C