Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xem xét bỏ cơ chế 'room tín dụng', điều hành theo tín hiệu thị trường

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xem xét bỏ cơ chế 'room tín dụng', điều hành theo tín hiệu thị trường
5 giờ trướcBài gốc
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, hội nghị thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo của Bộ Tài chính và ý kiến của các đại biểu. Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý khoảng trên 16%, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.
Cập nhật đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và tăng 18,87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát thị trường vàng, cũng như sớm trình phương án sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng trong tháng 7/2025.
Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có; triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương bỏ cơ chế "room tín dụng". Ảnh minh họa.
Thông tin về chính sách điều hành tín dụng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra, theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% và linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến thực tế.
Cập nhật đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và tăng 18,87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được điều hành theo hướng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Được biết, cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, còn gọi là "room tín dụng" đã được nhà điều hành được duy trì từ nhiều năm 2011, vừa đóng vai trò đảm bảo tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, cung tiền và vừa quản lý rủi ro dòng vốn. Từ năm 2018, việc phân bổ hạn mức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018.
Đến năm 2024, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm, thay vì điều chỉnh theo từng đợt như trước. Cách làm này tiếp tục được duy trì trong năm 2025.
Trước đó, tháng 2/2025, tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng./.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-tuong-yeu-cau-khan-truong-xem-xet-bo-co-che-room-tin-dung-dieu-hanh-theo-tin-hieu-thi-truong-179441.html