Thủ tướng yêu cầu khánh thành dự án Cao Lãnh - An Hữu chậm nhất vào 19-12

Thủ tướng yêu cầu khánh thành dự án Cao Lãnh - An Hữu chậm nhất vào 19-12
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 10-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý khắc phục nhanh sự cố tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng nhiều mặt của việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vận tải.
Theo đó, các dự án phục vụ 3 đột phá chiến lược của cả nước sẽ là một động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới.
"Các dự án làm càng sớm thì càng hiệu quả, không đội vốn, không kéo dài, nhân dân vui mừng, xã hội phấn khởi, địa phương và đất nước phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN sớm triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ảnh: VGP
Điểm lại những kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết đến nay cả nước đã hoàn thành được 2.268 km cao tốc và cố gắng từ nay đến cuối năm hoàn thành thêm 800 km nữa, thực hiện bằng được mục tiêu có ít nhất 3.000 km cao tốc.
Nhiều dự án cao tốc như Cao Bằng – Lạng Sơn, Cần Thơ – Cà Mau, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2… được triển khai tích cực, nỗ lực rút ngắn thời gian với cách làm mới.
Sân bay Long Thành "đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên", đường kết nối sân bay Long Thành được tích cực triển khai; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đưa vào khai thác… Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý khắc phục nhanh sự cố tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Hà Nội và TPHCM có nhiều nỗ lực, cố gắng, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng cho các dự án vốn gặp nhiều khó khăn, công việc nhiều; Tuyên Quang đã bố trí vốn cho dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; các tỉnh ĐBSCL…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng lưu ý một số địa phương cần nỗ lực, tích cực, làm tốt hơn nữa; vẫn còn một số vướng mắc về mặt bằng, nguyên vật liệu; thủ tục một số dự án còn chậm; một số vấn đề kỹ thuật cần các giải pháp tích cực, chủ động hơn…
Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các mục tiêu cơ bản với các dự án là không thay đổi, phải bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, phải khánh thành dự án Cao Lãnh - An Hữu (kết nối hai tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp) chậm nhất vào 19-12.
Chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án.
Về nguyên vật liệu xây dựng, các tỉnh ĐBSCL phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sớm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục với các mỏ, đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu, chủ đầu tư, ban quản lý. Các chủ đầu tư, nhà thầu huy động nguồn lực từ các nhà thầu phụ, nhân lực, máy móc tại địa phương.
Sớm triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ cho hạ tầng chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những vấn đề phát sinh phải được xử lý ngay, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, không đùn đẩy, né tránh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Với các dự án hợp tác công tư thì giải quyết nhanh các thủ tục, nếu vướng mắc thì đề xuất Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật ngay tại Kỳ họp thứ 9, thúc đẩy triển khai các dự án theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
NHNN sớm triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính cân đối, bố trí sử dụng nguồn lực phù hợp, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Thái Bình chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc về điều chuyển vốn cho các dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chủ động kiểm tra, giám sát, Văn phòng Chính phủ tham mưu cho các Phó Thủ tướng làm Trưởng đoàn của 7 Đoàn kiểm tra tiếp tục định kỳ hằng tháng đôn đốc, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Tại Phiên họp thứ 18 tới đây của Ban Chỉ đạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ rà soát, đề xuất khen thưởng với những tập thể, cá nhân làm tốt, trong đó có thưởng cho các dự án có nhiều cải tiến kỹ thuật, giúp tiết kiệm chi phí, vượt tiến độ, nâng cao chất lượng; ai có khuyết điểm phải chỉ ra, ai không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm thì phải xử lý, kỷ luật kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và chuẩn bị tốt cho lễ khởi công, khánh thành các dự án, công trình lớn vào ngày 19-8 tới đây.
Sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng và các ý kiến tại phiên họp, các dự án thuộc Ban Chỉ đạo gồm 37 dự án/95 dự án thành phần. Trong đó có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, với tổng số vốn đầu tư trên 1 triệu tỉ đồng.
Đến nay, 19 dự án/dự án thành phần được đưa vào khai thác; đang triển khai thi công 52 dự án/dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, vẫn còn một diện tích nhỏ mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành, nguồn vật liệu cho các dự án vành đai 3 TP.HCM, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ảnh: VGP
Thời gian tới, các cơ quan quyết tâm, quyết liệt triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm các điều kiện để khởi công dự án cuối năm 2025. Đồng thời, ngay trong tháng 5 này sẽ nối lại đường sắt liên vận với Trung Quốc.
Đồng thời trong năm 2025, phải hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau và hoàn thành 1.000 km đường bộ ven biển.
Về hàng không, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025. ACV và các địa phương tập trung triển khai hoàn thành các cảng hàng không, sân bay: Mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; Sân bay Côn Đảo, Cà Mau, Chu Lai, Măng Đen, Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới…
Bộ Xây dựng, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ dự án điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Biên Hòa - Vũng Tàu và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM và tỉnh Tây Ninh khẩn trương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc và TP.HCM - Mộc Bài trong tháng 5.
Bộ Xây dựng, các tỉnh Sơn La, Thái Bình, TP Hà Nội hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Dầu Giây - Tân Phú, Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, dự án thành phần 3 Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội.
Tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng chỉ đạo nhà đầu tư tận dụng tối đa điều kiện thời tiết mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2025.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-khanh-thanh-du-an-cao-lanh-an-huu-cham-nhat-vao-19-12-post849035.html