Tổng đàn gia súc của tỉnh Lâm Đồng tính tới cuối năm 2024 là hơn 429.000 con
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các bộ, ban, ngành và địa phương về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo công điện, 3 tháng đầu năm nay đã phát hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 22 địa phương và 12 ổ dịch bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục. Cơ quan chức năng các địa phương buộc tiêu hủy gần 19.000 con gia cầm, 5.200 con lợn và đặc biệt là đã có 20 người tử vong do bệnh dại.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường, nguồn cung thực phẩm. Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu kịp thời chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới.
Chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật và kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng. “Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng,..
Khử trùng vật nuôi tại Trạm Kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trong thời gian tới có nguy cơ phát sinh, lây lan cao do thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi; tỷ lệ tiêm phòng một số bệnh năm 2024 đạt thấp, nhất là bệnh viêm da nổi cục; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; kết quả giám sát chủ động, bị động và giải trình tự gene của Cục Thú y cho thấy các loại mầm bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và trong quần thể gia súc, gia cầm;...
Tổng đàn trâu, bò, lợn của tỉnh Lâm Đồng tính tới cuối năm 2024 là 429.438 con (trong đó trâu bò 93.036 con và lợn 336.402 con) và đàn gia cầm đạt trên 6,4 triệu con. Đàn ong 121.711 đàn, toàn tỉnh có 618 nhà yến/510 cơ sở nuôi chim yến,..
Theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2025, ngân sách tỉnh chi hơn 5,4 tỷ đồng để mua 214.850 liều vắc xin lở mồm long móng (102.400 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò; 112.450 liều vắc xin lở mồm long móng lợn) để tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có dưới 10 đơn vị vật nuôi của tỉnh (các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tự mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng).
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành các thủ tục đấu thầu để mua các loại vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng trong Quý II/2025.
CHÍNH PHONG