Xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại cuộc họp của Thủ tướng về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được Chính phủ tổ chức sáng 14/5, cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng như xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh, hàng gia dụng…
Trong địa bàn nội địa, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố; lợi dụng thương mại điện tử, mua sắm trên các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… để kinh doanh, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng hoạt động doanh nghiệp để mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế với số lượng lớn có chiều hướng gia tăng trên các địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên toàn quốc.
Các đối tượng lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, gia công sản xuất xuất khẩu, khai báo mặt hàng được ưu tiên làm thủ tục, miễn kiểm tra, cố tình khai sai tên hàng, thông số kỹ thuật, số lượng, chủng loại, khai báo trị giá thấp, trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam, gian lận thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép, không đủ điều kiện, trốn thuế.
Lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; tổ chức kinh doanh, xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng nhằm mục đích trốn thuế số tiền lớn; lợi dụng các sàn thương mại điện tử và sử dụng các trang mạng xã hội, công cụ livestream để quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với đa dạng các mặt hàng.
Lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng xách tay, quà biếu, tặng, hành lý ký gửi và lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao như: tiền, ngoại tệ, vàng, kim cương, tôm hùm giống, thuốc lá, xì gà, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, điện lạnh, tiền chất, ma túy, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng khác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại cuộc họp.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng. Riêng Bộ Công an đã điều tra, xử lý 1.400 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đã khởi tố trên 1.200 vụ, hơn 2.000 bị can; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 134 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành có liên quan cũng như thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng nhìn nhận công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa phản ánh hết tình hình thực tế cũng như đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của tình hình an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá và điều tra, xử lý hàng chục vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, hoạt động quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cũng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung; thực hiện các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý; chấn chỉnh, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm và hậu kiểm; gắn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Làm tốt được khen, làm không tốt phải bị xử lý
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả mà các bộ, ngành đạt được trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Dù đã có những kết quả song diễn biến vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn phức tạp, trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực, đến sức khỏe, lòng tin của nhân dân, gây hoang mang, lo lắng, nghi ngờ sự hoạt động đấu tranh của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, tình hình đất nước chúng ta.
Hoan nghênh về những giải pháp được các đại biểu đưa ra, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần bám sát vào Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng về đấu tranh phòng, chống vi phạm trên lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả công tác trên.
Thủ tướng chỉ rõ 5 nguyên nhân hết sức cơ bản. Cụ thể, nguyên nhân do lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp các ngành địa phương chưa thực sự quyết liệt, sâu sát, chưa bám vào những nộ dung vấn đề diễn biến phức tạp, những vấn đề mới xuất hiện, các địa phương, địa bàn, nhất là những đối tượng ngày càng đa dạng trong làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại.
Tình trạng buông lỏng quản lý của các cơ quan, địa phương; nguyên nhân do thể chế lạc hậu, chồng chéo, bỏ sót, chưa sát với tình hình, chưa đáp ứng được với tình hình, diễn ra phức tạp, trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều; do công tác tổ chức, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống trong quá trình quản lý của các bộ, ngành địa phương; chưa huy động được sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ sản xuất, sở hữu trí tuệ.
Đại diện một số bộ, ngành phát biểu tại cuộc họp.
Đặt câu hỏi trong thời gian tới việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương như thế nào để đạt hiệu quả cao, Thủ tướng nhấn mạnh rõ ràng những công việc này trong thời gian qua là chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Thủ tướng tiếp tục chỉ ra nguyên nhân trong đó có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm. Dẫn chứng vụ án Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên lãnh đạo, lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu phải đặt ra mục tiêu đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng không rõ xuất sứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội của đất nước; bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đây là công việc, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, cần huy động sự vào cuộc của cả nhân dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố trật tự ATXH, làm cho dân an toàn, an ninh… "Nhiệm vụ này phải được làm thường xuyên, làm toàn diện, làm liên tục, không ngừng nghỉ”- Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải xác định công tác bảo vệ sức khỏe, quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, người tiêu dùng phải đặt lên trên hết, trước hết để thực hiện; đây cũng là nhiệm vụ mà các cấp chính quyền phải vào cuộc, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng uy tín quốc gia, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế độc lập của đất nước…
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gắn liền với công tác sắp xếp các cơ quan chức năng, chức năng nhiệm vụ trong quá trình sắp xếp bộ máy. Phải rà soát lại để tránh bỏ sót chức năng nhiệm vụ quyền hạn trên tinh thần không chồng chéo, không bỏ sót. Tạo chuyển biến đột phá trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề đặt ra hết sức thời sự, được nhân dân, dư luận vô cùng quan tâm.
“Các bộ, các ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động xây dựng cơ chế chính sách, luật pháp, thông tư hướng dẫn, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ” - Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò và tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. “Anh nào làm không tốt thì phải bị xử lý, ai làm tốt phải được khen thưởng kịp thời” - Thủ tướng nêu rõ.
Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng yêu cầu mở đợt cao điểm tấn công, đấu tranh truy quét ngăn chặn đẩy lùi buôn lậu, gian lận hương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong vòng 1 tháng trên phạm vi cả nước từ ngày 15/5-15/6, sau cao điểm sẽ tổng kết để đánh giá kết quả, cách làm. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch, đề xuất các biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả cao điểm. “Trong tình hình mới phải có biện pháp đặc biệt” - Thủ tướng chỉ rõ.
Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành không để khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức bộ máy mà để hàng lậu, buôn lậu, hành giả, gian lận thương mại hoạt động; các địa phương cũng phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt.
Bộ Công an chỉ đạo Công an xác lập các chuyên án xử lý nghiêm những đối tượng, đường dây vi phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử, răn đe, phòng ngừa. Thủ tướng biểu dương Bộ Công an đã rất chủ động, nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý buôn lậu, sản xuất, mua bán gian lận thương mại, hàng giả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ tài chính chỉ đạo hải quan, thuế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp và đảm bảo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quản lý thị trường xử lý nghiêm những đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; hoàn thiện thương mại điện tử, rà soát những văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những luật, nghị định cần phải sửa; phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, hoàn thiện thể chế; các bộ ngành cũng phải chủ động ban hành những thông tư, hướng dẫn, kiểm tra; xây dựng luật, tháo gỡ khó khăn, không để khoảng trống pháp lý, cần chuẩn bị thật nhanh, thật tốt để đưa vào kỳ họp Quốc hội tới.
Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành của các bộ, địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra việc cấp phép, lưu thông, quản lý, thuế… đặc biệt lưu ý vấn đề thuốc, sữa, thực phẩm, sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, ngành y tế…; quy định cụ thể nhiệm vụ của UBND cấp xã, phường phối hợp với các bộ, ngành để kiểm tra cơ sở sản xuất ở cơ sở…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương điều chỉnh những vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, xử lý quảng cáo sai sự thật; Bộ Y tế phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ cấp bách nhất là liên quan đến kiểm soát thuốc, thực phẩm chức năng, sữa… trên tinh thần chăm sóc sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Các bộ, ngành chủ động phối hợp kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm về thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ; ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu vào trong công tác kiểm tra, điều hành, quản lý…; tăng cường chế tài kiểm soát, tính tự giác của các cơ quan chức năng cũng như tạo phong trào toàn dân kiểm tra, kiểm soát…
Hoàng Phong