Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của BCĐ, tính đến ngày 25-3, có 1.533 dự án gặp khó khăn, vướng mắc, bao gồm 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Bộ Tài chính đã phân loại khó khăn thành 17 nhóm vấn đề, bao gồm xử lý tài sản công, quản lý và bố trí vốn đầu tư công, chuyển mục đích sử dụng đất, dừng, thu hồi hoặc chấm dứt hoạt động dự án... Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết 233/NQ-CP về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TPHCM ngay đầu tháng 4 này.
Riêng với hai dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành trong năm 2025.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải tỏa được bức xúc của nhân dân, của cán bộ… Ông yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1.533 dự án đã có báo cáo, nếu có các dự án phát sinh thì tiếp tục giải quyết; với những vấn đề có tính cá biệt thì phải đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý.
Về thời hạn, Thủ tướng chỉ đạo, các thủ tục để xử lý cho các dự án phải cố gắng hoàn thành trước 30-5. Trong đó, với các dự án có khó khăn, vướng mắc trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, cần đề xuất Quốc hội cho phép vận dụng chính sách đặc thù đã được thông qua. Đối với các dự án chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, với các dự án có sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng khó thu hồi sẽ được đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục và giải quyết hậu quả, ưu tiên biện pháp kinh tế, dân sự, hành chính trước khi áp dụng biện pháp khác; không che giấu, không bỏ sót, không để lọt sai phạm, không để thất thoát tài sản nhà nước nhưng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
PHAN THẢO