Thủ tướng yêu cầu trình Nghị định quản lý vàng, tiền số trước 15/7

Thủ tướng yêu cầu trình Nghị định quản lý vàng, tiền số trước 15/7
7 giờ trướcBài gốc
Tăng cường quản lý thị trường vàng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn.
Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025 - Ảnh minh họa
Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tín dụng cần ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cùng với các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo.
Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành tỷ giá hài hòa, theo dõi sát chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn để có phản ứng kịp thời. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng, công nghệ, người trẻ mua nhà ở xã hội hay liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước phải tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, hiệu quả, trong đó khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7.
Trình khung pháp lý về tài sản mã hóa
Về tài khóa, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách mở rộng có trọng tâm, đồng bộ với chính sách tiền tệ. Trong đó, cần đẩy mạnh thu ngân sách từ các lĩnh vực mới như thương mại điện tử và dịch vụ ăn uống, đồng thời thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, riêng 7 tháng cuối năm phải tiết kiệm thêm 10% để tăng nguồn lực cho an sinh xã hội và giáo dục vùng khó khăn.
Yêu cầu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7. Cùng với đó là các nghị định hướng dẫn các luật, nghị quyết tài chính vừa được Quốc hội khóa XV thông qua.
Bộ Tài chính cũng cần đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ và xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7.
Bộ Tài chính cũng được giao xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường. Bên cạnh đó, kịp thời xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp 6 tháng cuối năm nhằm mục tiêu góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Việc giải ngân vốn đầu tư công cần được triển khai quyết liệt, gắn với đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng tiêu cực, lãng phí. Các địa phương được yêu cầu xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân chậm tiến độ của từng dự án để tháo gỡ kịp thời, điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh căn cứ vào mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Chí Tâm
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thu-tuong-yeu-cau-trinh-nghi-dinh-quan-ly-vang-tien-so-truoc-15-7-409417.html