Thu vượt dự toán giao
Tháng 11/2024, số thu BHXH, BHYT, BHTN là 272,658 tỷ đồng giảm 28,068 tỷ đồng (giảm 9,3%) so tháng trước, nhưng tăng 30,911 tỷ đồng (tăng 12,8%) so cùng kỳ năm 2023. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2024, tổng thu trên đạt 3.052,572 tỷ đồng, tương đương 94,5% kế hoạch năm. Kết quả này vượt 4,5% so với dự toán mà BHXH Việt Nam giao 90%, tương ứng với số tiền thu vượt 146,392 tỷ đồng. Tất cả các đơn vị trong tỉnh đều đạt và vượt dự toán thu mà BHXH Việt Nam giao. Trong đó, nhiều địa phương đạt mức vượt cao. Cụ thể, Hàm Thuận Nam vượt 32,817 tỷ đồng (vượt 12,3%), Đức Linh vượt 34,620 tỷ đồng (vượt 9,8%), Tánh Linh vượt 19,358 tỷ đồng (vượt 9,2%) và Hàm Thuận Bắc vượt 29,136 tỷ đồng (vượt 7,9%). Đây là kết quả tích cực, cho thấy nỗ lực trong việc tổ chức thu và thực hiện các chính sách bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Đến cuối tháng 11/2024, tổng số tiền chậm đóng trên toàn tỉnh là 245,163 tỷ đồng, tăng 47,495 tỷ đồng (tương ứng 24,0%) so với tháng trước và tăng 36,751 tỷ đồng (tương ứng 17,63%) so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ chậm đóng phải thu chiếm 7,59% so với dự toán thu, cao hơn 3,69% so với chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng mà BHXH Việt Nam giao trong năm 2024 (3,9%). Đáng chú ý, tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi là 3,43%, cao hơn 0,53% so với chỉ tiêu giao 2,9%. Hầu hết đơn vị đều có tỷ lệ chậm đóng phải thu cao hơn chỉ tiêu giao như BHXH Hàm Tân, Bắc Bình, La Gi, Tuy Phong…
Công khai danh sách đơn vị chậm đóng
BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm đóng gia tăng là do ngân sách hỗ trợ đóng BHYT chưa đến kỳ chuyển với số tiền lên tới 53,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn cũng khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo khả năng đóng các khoản bảo hiểm đúng hạn. Tổng số tiền chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 106,178 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng số tiền chậm đóng. Đáng chú ý, có 15 đơn vị chậm đóng với hơn 72,694 tỷ đồng, kéo dài nhiều tháng nhưng chưa được xử lý triệt để. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Dù cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, các biện pháp thực thi vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 230 đơn vị đã phá sản, giải thể, hoặc ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 25,45 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng số tiền chậm đóng. Số tiền này gần như không có khả năng thu hồi do thiếu văn bản hướng dẫn xử lý từ cơ quan cấp trên. Nhiều đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH do hoạt động thua lỗ, giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục ngừng hoạt động, đóng mã số thuế hoặc giải thể.
Theo BHXH tỉnh Bình Thuận, để góp phần giảm tình trạng chậm đóng, bảo vệ quyền lợi người lao động trên địa bàn và hạn chế phát sinh chậm đóng mới, cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn người lao động - bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó, lập danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên công khai trên Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh nhằm tăng cường minh bạch và trách nhiệm. Đồng thời, thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị chậm đóng kéo dài.
TRANG MINH