Những năm qua, nhiều chính sách, chủ trương và quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cả nước. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư trong hoạt động văn hóa xã hội nói chung và lĩnh vực thư viện nói riêng, thì các cấp, ngành cũng đã đẩy mạnh việc đầu tư, đa dạng hóa và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc. Trong đó, đã đặc biệt chú ý đến đổi mới công tác phục vụ bạn đọc thông qua các nền tảng công nghệ thông tin để phù hợp và bắt kịp với sự phát triển chung của ngành thư viện.
Tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, trong những năm gần đây, đơn vị này đã luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, định hướng và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm tại các địa phương.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả hệ thống máy vi tính phục vụ bạn đọc, đơn vị đã chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống mạng wifi, phục vụ có hiệu quả cho bạn đọc khi sử dụng các thiết bị smartphone khi tra cứu tài liệu. Ngoài ra, đã triển khai đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện điện tử. Tăng cường công tác quảng bá, truyền thông về thư viện trên các ứng dụng của mạng xã hội như fanpage, zalo, facebook và trên website của thư viện…
Đến nay, phần mềm quản lý thư viện điện tử tích hợp Emiclib của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế có 122.148 biểu ghi. Số người tra cứu phần mềm đạt hơn 5.406.000 lượt. Công tác bổ sung tài liệu điện tử cũng được thư viện chú trọng với hơn 2.360 đầu sách trên môi trường mạng phục vụ cho các thành phần, lứa tuổi.
Đồng thời, thư viện cũng chú trọng công tác phát triển các nguồn tài nguyên thông tin số như: Số hóa các nguồn báo tạp chí liên quan đến Thừa Thiên Huế và biên mục trên phần mềm thư viện điện tử để phục vụ bạn đọc tra cứu; Số hóa hơn 450.000 trang tài liệu Hán - Nôm đang lưu trữ tại các địa phương trên địa bàn. Trong số tài liệu mà Thư viện đã số hóa được đến thời điểm hiện tại có rất nhiều tài liệu có giá trị, quý hiếm cần được bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị.
Giới thiệu tư liệu Hán - Nôm được sưu tầm số hóa trên thiết bị số.
Trên nền tảng của phần mềm quản lý thư viện được đầu tư và chạy trên môi trường web tại địa chỉ http://sachdientu.thuathienhue.gov.vn, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai việc cấp thẻ bạn đọc trực tuyến thông qua việc quét mã QR để tạo thuận lợi tốt nhất cho bạn đọc khi đăng ký thẻ và cũng rút ngắn được thời gian trong quá trình cấp thẻ bạn đọc. Số lượng bạn đọc đã sử dụng hình thức đăng ký thẻ trực tuyến qua mạng ngày càng nhiều.
Hiện nay, hầu hết tài liệu nhập vào của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xây dựng thành các cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm quản lý thư viện và được đồng bộ, kết nối dữ liệu với các thư viện địa phương. Trong công tác trưng bày triển lãm giới thiệu sách chuyên đề, Thư viện cũng đã đưa vào ứng dụng quét mã QR code với các đầu sách được số hóa để trưng bày triển lãm tài liệu phục vụ người đọc.
Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa đọc thông qua nền tảng số, Thư viện cũng đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động, giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội và thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến hoạt động Thư viện trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Tài liệu "Tủ sách Huế" được số hóa trên phần mềm quản lý thư viện số của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.
"Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện đã có ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc tại đơn vị. Đây cũng là tiền đề để Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện và phát triển nền tảng dữ liệu số, công nghệ số…
Qua đó, góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên đang lưu trữ tại đơn vị đến với bạn đọc, tạo điều kiện cho bạn đọc và các tầng lớp nhân dân truy cập thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, giúp duy trì và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh", bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Thế Trung
* Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện