Một trong những sản phẩm thông dụng, rẻ và gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới đó là túi nilon và các bao bì nhựa chỉ dùng một lần, rồi vứt bỏ. Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm hiện nay túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều địa phương đang tìm mọi cách để loại bỏ nó.
Tràn ngập rác thải nhựa ra môi trường.
Các chuyên gia tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể phân hủy được loại rác thải này.
Nhận thấy sự tác tại của nó, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch, chương trình liên quan đến phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần” đã diễn ra đồng loạt trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký cam kết thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”. Các cơ quan, đơn vị đã tuyên truyền, vận động đến từng công chức, viên chức, người lao động và tổ chức thực hiện chung tay hành động nói “Không” với rác thải nhựa; không sử dụng nước uống đóng chai nhựa thể tích nhỏ sử dụng 1 lần mà chuyển sang sử dụng bình đựng nước lớn, ly thủy tinh, ly giấy trong hoạt động hằng ngày cũng như tại các cuộc họp, hội nghị, tập huấn; hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần và thay vào đó sử dụng túi giấy, túi bằng vải, túi thân thiện với môi trường,...
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chúng tôi đã quán triệt và thường xuyên vận động, khuyến khích cán bộ công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức tiếp tục thực hiện các nội dung: Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy trong việc đựng thức ăn, nước uống, nước giải khát (hộp xốp trắng, hộp ni lông, ly nhựa dùng 1 lần đựng trà sữa, cà phê, túi nia lông khó phân hủy, ống hút, thìa, chén, bát, dĩa nhựa dùng 1 lần,...), thay thế các vật dụng văn phòng phẩm, bìa đựng hồ sơ, hạn chế các vật phẩm nhựa.
Ông Phương nói thêm: Tại các cơ quan đơn vị, UBND tỉnh yêu cầu, sử dụng máy chiếu, màn chiếu để làm phông nền, hạn chế việc in panô, áp phích khi tổ chức các hội nghị, hội thảo,... để giảm rác thải nhựa ra môi trường. Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan đã trở thành hạt nhân và luôn tích cực vận động toàn đơn vị thực hiện văn hóa công sở, thực hiện nếp sống văn minh như: thường xuyên vệ sinh môi trường, dọn dẹp phòng làm việc, bàn làm việc, vệ sinh môi trường trong và ngoài cơ quan; thực hiện phân loại pin thải riêng; hạn chế sử dụng tiếng còi xe máy, ôtô; hạn chế sử dụng túi nỉ lông, sử dụng túi thân thiện với môi trường; không hút thuốc lá nơi công cộng; hạn chế đốt và rãi vàng mã, thực hiện việc đốt vàng mã đảm bảo vệ sinh, an toàn và đúng quy định,...
Tại địa phương nơi cư trú, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị phải tích cực tham gia các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” hàng tuần, vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể phát động; mỗi gia đình thực hiện nghiêm túc chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều dự án liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương như: Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, do WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam và UBND thành phố Huế là cơ quan chủ quản được triển khai thực hiện từ năm 2021 tới 2024 với mục tiêu hỗ trợ thành phố Huế trong việc bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái của vùng đất ngập nước và ven biển bị ô nhiễm do rác thải nhựa.
Túi nilon tràn ngập nơi nấu ăn của hộ gia đình sau mỗi lần đi chợ về.
Hiện nay, do cơ chế chính sách về quản lý rác thải nhựa chưa cụ thể, thiếu chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiên với môi trường, thay thế nhựa, túi ni lông và chế tài xử phạt. Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa đồng bộ, giải pháp xử lý rác tái chế sau phân loại còn nhiều hạn chế, dẫn đến những bất cập trong quản lý rác thải nhựa tại địa phương. Các sản phẩm bao bì, túi ni lông thân thiên với môi trường trên thị trường chưa nhiều, giá thành cao nên ảnh hưởng đến việc chuyển đổi thói quen sử dụng của cộng đồng người dân.
Để thực hiện công tác quản lý rác thải nhựa đại dương trong thời tới đạt hiệu quả, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên đề xuất: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ bộ làm công tác tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên môi trường ở địa phương. Chọn lọc và phổ biến, hướng dẫn triển khai những mô hình, chương trình, phong trào hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng để các địa phương nghiên cứu, học tập và ứng dụng. Ban hành chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bao bì ni lông; tăng thuế đối với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cái Văn Long