Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN phát
Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Thừa Thiên – Huế đang là điểm đến hấp dẫn mới của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế Trần Công Thích Vương, đối với ngành công nghiệp, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới. Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh, hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.
Thừa Thiên - Huế hiện có 6 khu công nghiệp với 109 dự án đang hoạt động, 48 dự án đang triển khai và nhiều cụm công nghiệp nhỏ. Đặc biệt, Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô có vị trí địa lý “đắc địa,” kết nối với thành phố Đà Nẵng qua hầm đường bộ Hải Vân, vừa có cảng nước sâu tự nhiên, vừa có hệ thống đầm phá và vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới, thuận lợi trong kết nối các loại hình giao thông.
Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô có diện tích khoảng 27.108ha, với 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Đến nay, Khu Kinh tế này cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính, có hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000 m3/ngày đêm, bãi xử lý chất thải rắn.
Hiện cảng Chân Mây đang dần hoàn thiện giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng và tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho việc đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa bằng container đi, đến cảng biển này. Khu kinh tế đã bắt đầu đón những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đi vào hoạt động, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nhà đầu tư khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ, có hai lĩnh vực địa phương không khuyến khích kêu gọi đầu tư là những ngành liên quan đến ô nhiễm môi trường và các dự án sử dụng quá nhiều lao động phổ thông. Với kịch bản phát triển bền vững, xu hướng hiện nay phải đi vào lĩnh vực sản xuất có công nghệ khá cao, theo hướng đó, địa phương hy vọng cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra môi trường đầu tư tốt sẽ thu hút được những nhà đầu tư lớn đến để dẫn dắt, kéo theo ngành công nghệ phụ trợ cho các địa bàn đã được quy hoạch.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian qua Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa lớn về đường bộ, đường không và cảng biển. Trong đó phải kể đến Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất thiết kế khai thác 5 triệu hành khách/năm.
Đầu năm 2025, hai dự án giao thông lớn của tỉnh dự kiến sẽ về đích là: Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An; Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương. Tất cả sẽ mở ra không gian phát triển mới, cũng như cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với địa phương.
Đỗ Trưởng/TTXVN