Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 5,44%
Theo báo cáo Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục khởi sắc và có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn phát huy tốt năng lực sản xuất như: Sản xuất đồ uống, may mặc, cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ. Các dự án mới đi vào hoạt động đã đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của ngành công nghiệp như: dự án nhà máy sản xuất ô tô Kim Long Motor, dự án sản xuất găng tay Kanglongda.
Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 10/2024 ước tăng 18,4% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ước tăng 5,44% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 3,6% với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 4,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%.
Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Kim Long Motor tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Bia 290,4 triệu lít, tăng 0,9% so với cùng kỳ; quần áo lót 311,6 triệu sản phẩm, tăng 6,8%; dăm gỗ 595,5 nghìn tấn, tăng 8,5%; điện thương phẩm 1.858,5 triệu KWh, tăng 6,1%; đá xây dựng 883,4 nghìn m3, tăng 14,3%; xe ôtô các loại 516 chiếc, gấp 9 lần.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực của một số ngành sản xuất, hiện nay một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao; áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng đã phải chịu sự cạnh tranh gay gắt; đơn hàng sản xuất bị cắt giảm như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (-14,7%); in ấn (-7,7%); sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét (-3,5%); sản xuất giường tủ, bàn ghế (-19,1%); sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 4,8%.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng vượt hơn 1 tỷ USD, tăng 17,5%
Thông tin Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa ước đạt 108,8 triệu USD, tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, KNXK hàng hóa ước đạt 1.008,71 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi, dệt các loại ước đạt 161,5 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ; hàng may mặc ước đạt 460,7 triệu USD, tăng 3,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 160,3 triệu USD, gấp 2 lần.
Trong tháng 10/2024, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa ước đạt 63,96 triệu USD, giảm 30% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, KNNK hàng hóa ước đạt 836,5 triệu USD, tăng 47,5% so với cùng kỳ; các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 1,18 triệu USD, giảm 83,6% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 494,2 triệu USD, tăng 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 168,5 triệu USD, tăng 46,5%.
Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tạo đà tăng trưởng cho những tháng cuối năm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10/2024 ước đạt 4.971,8 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.449,6 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 47.293,2 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.649,5 tỷ đồng, chiếm 71,2%, tăng 12,3%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 ước tăng 0,41% so với tháng trước, bình quân 10 tháng ước tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Về hoạt động du lịch trong tháng 10/2024, khách du lịch ước đạt 250,8 nghìn lượt, giảm 5,8% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ; Lũy kế 10 tháng, lượng khách du lịch ước đạt 3.254,4 nghìn lượt, tăng 26,8% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.083,8 nghìn lượt, tăng 31,5%; doanh thu từ du lịch ước đạt 6.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở công nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung đôn đốc, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm.
Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Tổ chức các hoạt động Lễ hội “Mùa đông xứ Huế”. Triển khai kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Tiếp tục xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Đảm bảo công tác dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống bão lụt năm 2024. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch.
Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành giá; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Ất tỵ.
Việt Hoàng