Các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... có xu hướng gia tăng, là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh.
Ông Nguyễn Quý Đào (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) đã điều trị bệnh cao huyết áp tại trạm y tế xã Hạ Mỗ được 10 năm nay. Vào ngày 21 hàng tháng, ông đều đến trạm y tế khám và lấy thuốc định kì.
Ông Nguyễn Quý Đào cho biết: "Trước kia tôi nghĩ bênh cao huyết áp không chữa trị ở trạm y tế, tôi mua thuốc ngoài hoặc lên bệnh viện cũng mất cả buổi sáng. Giờ khám ở trạm y tế rất thuận lợi".
Giống như ông Đào, thay vì điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện, bà Nguyễn Thị Thảo (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) cũng chuyển về khám chữa bệnh tại trạm y tế xã Tân Hội được 4 năm, vì bệnh tiểu đường của bà chỉ cần định kỳ, không bỏ thuốc, tuân thủ chế độ ăn uống là kiểm soát được và tránh chủ quan. Thế mạnh khi điều trị ở tuyến cơ sở là theo dõi sát sao tiền sử, cũng như diễn tiến bệnh của những người đã tới khám.
Bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) cho biết: "Hiện tại Trạm Y tế xã có 165 bệnh nhân bị tiểu đường thường đến khám vào thứ 3 hàng tuần. Cái lợi với bênh nhân là gần nhà, giảm tải về kinh tế do không phải đi taxi đến bệnh viện, không phải chờ đợi lâu".
Thành phố Hà Nội đã bàn giao 30 Trung tâm Y tế trong đó cả phòng khám và các trạm Y tế trực thuộc Trung tâm về với quận, huyện, thị xã quản lý với sự ổn định về bộ máy, nhân sự và hoạt động chuyên môn như trước, đáp ứng công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Ngô Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/thuan-loi-khi-kham-chua-benh-o-tuyen-y-te-co-so-276762.htm