Thuận tiện trong cấp sổ đỏ lần đầu

Thuận tiện trong cấp sổ đỏ lần đầu
7 giờ trướcBài gốc
Dư luận đồng tình với chủ trương trên là bởi, thay vì phải đi lại nhiều lần lên cấp huyện như trước, người dân hiện chỉ cần làm thủ tục tại xã, phường. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giảm bớt nỗi ngán ngại thường trực cho dân mỗi khi làm thủ tục đất đai.
Trước đây, việc cấp sổ đỏ lần đầu hoàn toàn thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện. Hồ sơ của dân phải qua bộ phận một cửa cấp xã để xác nhận, sau đó chuyển lên cấp huyện giải quyết. Việc phân quyền về cấp xã, vì thế không chỉ thuận lợi cho dân, mà còn phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đất đai. Để giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết, một số bước công việc trước kia được thực hiện từ cấp xã đến cấp huyện... cũng được lược bỏ.
Trong Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nêu rõ 3 bước làm thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu ở cấp xã. Thời hạn giải quyết không quá 17 ngày làm việc đối với trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu. Khi đủ giấy tờ, việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu là không quá 3 ngày làm việc. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thời gian thực hiện không quá 30 ngày.
Chủ trương “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” cũng được cụ thể hóa thông qua việc thay đổi từ thẩm quyền chung (là UBND cấp huyện), sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND cấp xã.
Với những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của người dân như cấp sổ đỏ, mọi sự chậm trễ, lúng túng đều dễ gây tâm lý sốt ruột, ảnh hưởng quyền lợi của dân. Nhìn rộng ra, trong quản lý đất đai, cấp xã vẫn là nơi gần dân nhất, nắm rõ nhất nguồn gốc, hiện trạng đất đai tại địa phương. Việc phân quyền về cấp xã, vì thế là đúng hướng, hợp lý.
Tuy nhiên, khối lượng công việc của cán bộ cấp xã sẽ rất lớn và áp lực. Do vậy, việc trao quyền chỉ thực sự phát huy ý nghĩa khi bộ máy cấp xã có đủ năng lực, công cụ và tâm thế phục vụ tốt nhất. Hẳn nhiên, trong thời gian đầu, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhất là khi những điểm nghẽn cũ về con người, công nghệ và quy trình chưa được tháo gỡ.
Trong đánh giá mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho rằng, khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, về cơ bản, cán bộ của 168 phường, xã thuộc Thành phố đã bước đầu thực hiện khai thác cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai của địa phương. Song do một số cán bộ chưa nắm rõ thao tác thực hiện trong phần mềm VBDLIS cùng các nội dung liên thông thuế điện tử theo chính quyền 2 cấp và do mới tiếp cận việc giải quyết hồ sơ cụ thể… nên còn lúng túng.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo sát sao. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh về thủ tục hành chính liên quan đến địa chính, giải phóng mặt bằng, xác định chủ quyền đất đai và cấp sổ đỏ... Mốc thời gian hoàn thành được ấn định rõ trước ngày 1/8. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng được giao rà soát, chuẩn hóa lại các thủ tục về đất đai, đảm bảo không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh tại các Trung tâm phục vụ hành chính công.
Nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm” một lần nữa được cụ thể hóa. Bởi vậy, người dân có quyền kỳ vọng nhiều hơn, không chỉ ở việc nộp hồ sơ “gần nhà”, mà còn là thái độ phục vụ tận tâm, đúng hẹn từ phía cơ quan công quyền. Điều đó cũng có nghĩa, cải cách không chỉ đo bằng việc cắt giảm thủ tục trên giấy, mà còn đo bằng sự thuận tiện, minh bạch mà mỗi người dân có thể cảm nhận được.
Trọng Tín
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/thuan-tien-trong-cap-so-do-lan-dau-d335262.html