Thực phẩm đã qua nấu chín có thể hư hỏng chỉ sau vài giờ nếu không được bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh: Freepik.
Nếu không bảo quản thức ăn thừa đúng cách hoặc để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển trên thực phẩm và làm chúng hư hỏng. Điều này có thể khiến người ăn tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm...
Đối với ngộ độc thực phẩm ở mức nhẹ, sau vài ngày tình trạng có thể thuyên giảm. Với những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể tiêu chảy ra máu, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn hay thậm chí là không qua khỏi.
Nên làm mát hay đông lạnh thực phẩm?
Theo Health, vi khuẩn phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ 4-60 độ C. Khi bảo quản thực phẩm thừa trong khoảng nhiệt độ này, vi khuẩn có thể sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút và làm hỏng thực phẩm.
Nếu không có ý định ăn thực phẩm thừa trong 3-5 ngày tới, bạn có thể đông lạnh chúng để bảo quản lâu hơn. Thực phẩm đông lạnh có thể giữ được rất lâu, nhưng quá trình đông lạnh sẽ làm mất độ ẩm, thay đổi hương vị và chất lượng theo thời gian. Đối với thực phẩm ăn trong ngày, bạn nên bảo quản ở ngăn mát.
Thời hạn bảo quản từng loại thực phẩm
Theo Every Well Health, tùy vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản cũng sẽ khác nhau.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa chưa mở nắp: Có thể dùng được khoảng 1 tuần sau ngày hết hạn nếu bảo quản trong tủ lạnh. Sữa thực vật (sữa hạnh nhân, sữa đậu nành) có thể dùng được đến 10 ngày sau ngày hết hạn nếu bảo quản trong tủ lạnh.
Sữa đã mở nắp: Sữa bò có thể dùng trong 5-7 ngày và sữa thực vật dùng trong 7-10 ngày kể từ khi bảo quản trong tủ lạnh.
Lưu ý: Bảo quản sữa ở khu vực lạnh nhất trong tủ lạnh (thường là ở cuối kệ dưới cùng). Nếu sữa có mùi chua hoặc hộp sữa bị phồng, hãy bỏ đi.
- Trứng
Trứng có thể được bảo quản trong tủ lạnh 3-5 tuần kể từ ngày mua. Có thể kiểm tra bằng cách cho trứng vào nước. Trứng nổi lên mặt nước là dấu hiệu của trứng cũ.
- Rau củ và trái cây
Táo: Táo sẽ tươi ngon trong 4-6 tuần nếu được bảo quản trong tủ lạnh. Nên vứt bỏ nếu có mùi hôi, mềm quá mức hoặc vỏ bong tróc.
Cam, chanh, quýt: Dùng được khoảng 3 tuần khi bảo quản trong tủ lạnh.
Bơ: Để nguyên quả trong tủ lạnh sẽ giữ được 3-4 ngày.
Hành và tỏi: Hành và tỏi tươi có thể bảo quản trong 2 tháng trừ khi bị mềm, mốc hoặc đổi màu.
- Thịt, gia cầm và hải sản
Thịt xay (bò, heo): Có thể bảo quản ngăn mát 1-2 ngày và đông lạnh trong 3-4 tháng.
Thịt gia cầm (ức, đùi gà): Bảo quản ngăn mát 1-2 ngày và đông lạnh trong 9 tháng.
Thịt lợn cốt lết: Bảo quản ngăn mát 3-5 ngày, đông lạnh trong 1 năm.
Hải sản tươi: Dùng trong 1-2 ngày.
Hải sản đông lạnh: Cá béo (cá hồi, cá ngừ) bảo quản được 2-3 tháng. Cá nạc (cá tuyết, cá bơn) có thể giữ được trong 8 tháng. Tôm và mực có thể bảo quản 6-18 tháng trong ngăn đông.
Dấu hiệu thực phẩm thừa đã hư
Thực phẩm hư thường dễ nhận biết vì chúng đã thay đổi về hình dáng, mùi và hương vị. Các dấu hiệu thông thường của thực phẩm thừa đã hư gồm:
Màu sắc sẫm lại hoặc phai màu
Thay đổi kết cấu, cảm giác nhớt, dính hoặc trơn
Nấm mốc xanh, trắng hoặc đen
Mùi hoặc vị khó chịu
Kỳ Duyên