Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp thúc đẩy các dự án đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: QUANG BÌNH
Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc, đến nay, có 3 dự án đang tổ chức thi công, 1 dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong 3 dự án đang triển khai, có 2 dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2025; còn dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án Cao Lãnh - An Hữu được đăng ký rút ngắn tiến độ. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng vật liệu cát đắp nền đường với tổng trữ lượng khoảng 56,75/54,45 triệu m3 cho 4 dự án. Theo Bộ Giao thông Vận tải, mặc dù trữ lượng cát cơ bản đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Nhiều mỏ cát tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, các mỏ cát trên sông Hậu có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế, cần chủ động sử dụng cát biển để giảm áp lực nguồn cát sông.
Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ một số dự án thành phần chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nền, dẫn đến các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch.
Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG BÌNH
Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án thành phần 4 do tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư là đoạn dài nhất của dự án với chiều dài khoảng 58,3km, với 4 gói thầu xây lắp; đến nay, tổng giá trị thực hiện đạt trên 1.171 tỷ đồng, đạt 14,5% giá trị hợp đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 được bố trí là trên 2.322 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân trên 1.296 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch…
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án trong thời gian qua, đối với cát sông cần phải đánh giá kỹ các tác động của việc khai thác cát, nhằm hạn chế sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đối với khai thác cát biển, hiện nay, chưa có ranh giới chính thức trên biển giữa tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, nên việc giao mỏ cát biển tại Tiểu khu B1.3 cho nhà thầu thi công còn gặp khó khăn. Đồng thời có những kiến nghị đến bộ, ngành và Chính phủ một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc…
Từ những thuận lợi, khó khăn nêu trên, lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương đã trao đổi, thảo luận và báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; đồng thời báo cáo xây dựng phương án và trình Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và đề xuất phương án điều chuyển linh hoạt nguồn cát giữa các dự án để đáp ứng tiến độ thi công dự án cao tốc trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: QUANG BÌNH
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của bộ, ngành và các địa phương trong việc khảo sát hướng tuyến, cân đối nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Nhấn mạnh tại cuộc họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên tầm quan trọng của hệ thống giao thông đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải quyết từng khó khăn, vướng mắt và đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan phải quan tâm giải quyết, nhằm đáp ứng về nhu cầu tiến độ của từng dự án; đồng thời giải quyết các vướng mắc về khai thác cát sông, cát biển.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã nhiều lần đến kiểm tra, đôn đốc triển khai xây dựng các dự án đường bộ cao tốc tại ĐBSCL, với mong muốn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ hoàn thành khoảng 600km cao tốc tại khu vực và nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 600km, để cả vùng ĐBSCL có khoảng 1.200km cao tốc theo quy hoạch. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống giao thông đường thủy nội địa, các cảng lớn sẽ cơ bản giải quyết vần đề giao thông có tính kết nối cho vùng ĐBSCL, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
QUANG BÌNH