Lãnh đạo TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cam kết đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bền vững vùng Đông Nam Bộ
Ngày 26-12, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước) đã tổ chức hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2024.
Đón hơn 73 triệu lượt khách
Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nhận định ngành du lịch các địa phương đã có nhiều chuyển biến, tăng trưởng tốt. Năm 2024, cả vùng đón hơn 73 triệu lượt khách, trong đó trên 67 triệu lượt khách nội địa và gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 215.000 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2023.
Tỉnh Đồng Nai có vai trò là cụm trưởng triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024. Theo ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dù phải đối mặt tình hình kinh tế khó khăn và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, ngành du lịch các địa phương trong vùng vẫn tăng trưởng trong năm 2024.
Tuy nhiên, ngành du lịch của vùng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Một số dự án trọng điểm về du lịch đang chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, cũng như các bất cập liên quan chính sách đất đai và pháp luật chuyên ngành chưa được hoàn thiện. Những vấn đề này đã ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch chung của cả vùng. Ngoài ra, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa có chính sách giá kích cầu và khuyến mãi thực sự đủ mạnh để thu hút các công ty du lịch triển khai các tour trọn gói với giá cả hấp dẫn.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng chưa nổi bật; thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm - ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế. Du lịch đường sông còn thiếu bến thủy, cầu tàu; môi trường kênh rạch còn ô nhiễm nên có nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng. Việc liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, chưa thật sự đi vào chiều sâu; sản phẩm du lịch chung của vùng chưa hình thành rõ rệt.
Hồ Trị An với diện tích mặt nước hơn 32.000 ha có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Nhiều giải pháp đột phá
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng các tài nguyên du lịch nổi bật của vùng như rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên... không chỉ là những điểm đến hấp dẫn mà còn mang giá trị sinh thái quan trọng, cần được khai thác một cách có trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh thành phố, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn ý thức rõ trách nhiệm dẫn dắt trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng với mục tiêu: "Xanh hơn - sạch hơn - bền vững hơn". Theo ông Dũng, với tầm nhìn phát triển dài hạn, TP HCM đề xuất định hướng và sáng kiến phát triển du lịch theo hướng phát triển hạ tầng xanh, điểm đến sạch; áp dụng công nghệ vào quản lý và trải nghiệm du lịch; thúc đẩy các mô hình du lịch cộng đồng; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe; xây dựng các tiêu chuẩn du lịch xanh đồng bộ.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được xem là "lá phổi xanh" của vùng Đông Nam Bộ. Lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết đang tập trung mời gọi đầu tư khai thác mặt hồ Trị An và các dự án khu phức hợp, nghỉ dưỡng cao cấp - diện tích 326 ha; điểm du lịch ven hồ Trị An 14 - diện tích 325 ha; điểm du lịch ven hồ Trị An 13 - diện tích 384,73 ha...
Theo ông Nguyễn Sơn Hùng, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột phát triển của nền kinh tế. Do vậy, Đồng Nai luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch và bất động sản du lịch phát triển; khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn các nhà đầu tư đến với địa phương để trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng, hưởng thụ không khí trong lành với hệ sinh thái rừng, sông, suối, hồ cùng các giá trị di sản phong phú.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, xu hướng phát triển du lịch hiện nay tập trung vào du lịch trải nghiệm và du lịch nông thôn. Vì vậy, trong thời gian tới, Bình Dương định hướng phát triển các tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch gắn với giáo dục và cộng đồng, cũng như kết hợp nghỉ dưỡng và nông nghiệp. Các điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hình thành, kết nối với các tuyến như TP HCM - Bình Dương - Bình Phước, Bình Dương - Đồng Nai - Bình Phước và TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương, tập trung vào các tour ngắn ngày hoặc cuối tuần.
Để du lịch vùng Đông Nam Bộ bứt phá mạnh mẽ hơn, bà Phan Linh Chi, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh cần tiếp tục phát triển các sản phẩm liên kết. Bà đề nghị thực hiện theo phương châm: "Liên kết chặt chẽ - phối hợp nhịp nhàng - hợp tác sâu rộng - bao trùm toàn diện - hiệu quả bền vững". Điều này không chỉ nâng cao động lực tăng trưởng cho du lịch Đông Nam Bộ mà còn góp phần phát triển toàn ngành du lịch cả nước.
Bên cạnh đó, ngành du lịch vùng Đông Nam Bộ cần nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xúc tiến du lịch, thực hiện chuyển đổi số đồng thời phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ký kết thỏa thuận với 3 mục tiêu
Trong thời gian tới, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ cam kết triển khai các hoạt động liên kết hiệu quả hơn trong vùng và mở rộng ra các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong vùng. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án phát triển du lịch để sớm triển khai đầu tư, tạo sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương và đóng góp vào sự phát triển du lịch của cả vùng.
Ngoài ra, khuyến khích Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch chủ động liên kết, hợp tác với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hỗ trợ nhau trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm du lịch xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái.
Dịp này, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đông Nam Bộ với 3 mục tiêu: Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện và xây dựng mô hình du lịch xanh; liên kết thực hiện chức năng cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ hội viên phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ ít phát thải carbon.
Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN