Thúc đẩy kỹ năng tự chủ cho học sinh gắn với Chương trình GDPT 2018

Thúc đẩy kỹ năng tự chủ cho học sinh gắn với Chương trình GDPT 2018
4 giờ trướcBài gốc
Đại biểu tại hội thảo tham gia các hoạt động minh họa về Học thông qua Chơi và thúc đẩy sự tự chủ.
Giai đoạn 2019 - 2025, tổ chức VVOB tại Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ phát triển sự tự chủ của học sinh - kỹ năng quan trọng để thích ứng với thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Nền tảng của giáo dục hiện đại
Sự tự chủ của học sinh là trụ cột nền tảng của giáo dục hiện đại, trang bị cho người học những kỹ năng thiết yếu hỗ trợ phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và học tập suốt đời.
Tại Việt Nam, kỹ năng này đã được Chương trình GDPT 2018 nêu rõ là một trong những năng lực cốt lõi trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ nhằm đạt mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, tính tự chủ thường bị nhầm lẫn với việc tự học hay học tập độc lập, khiến những khía cạnh rộng hơn như khả năng hợp tác, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng dễ bị bỏ qua và chưa được thể hiện đầy đủ trong thực tiễn dạy học.
Đồng thời, trong thực tiễn chưa có các chỉ số và công cụ đánh giá cụ thể về tính tự chủ của học sinh khiến việc theo dõi sự tiến bộ là vô cùng khó khăn. Điều này còn dẫn đến việc khó hỗ trợ kịp thời và đáp ứng nhu cầu học sinh.
Đại diện Trung Tâm Giáo Dục và Hỗ Trợ Người Điếc Miền Trung chia sẻ kinh nghiệm bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Nhằm xác định những khoảng trống trong cách hiểu và thực hành thúc đẩy sự tự chủ của học sinh trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tổ chức VVOB tại Việt Nam đã xây dựng tài liệu “Thúc đẩy sự tự chủ của học sinh: Thực hành sư phạm nhằm phát triển tính tự chủ theo Chương trình GDPT 2018”, trong đó phân tích những cách hiểu khác nhau về sự tự chủ và đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực tích hợp sự tự chủ trong lớp học và trong nhà trường, cùng những thực hành nhằm thúc đẩy sự tự chủ của học sinh.
Theo VVOB Việt Nam, năng lực tự chủ và tự học của học sinh đã bắt đầu phát triển từ khi còn rất nhỏ và cần được nuôi dưỡng đúng cách với từng giai đoạn giáo dục. Tuy nhiên, khi học sinh lớn hơn, được cho là có nhiều khả năng tự chủ hơn thì phương pháp giảng dạy lại ít trao cho các em cơ hội tự chủ, từ đây hạn chế việc tự quyết và định hướng học tập của học sinh.
Do đó, cần hiểu rõ sự tự chủ không phải phương pháp mới hay một chuỗi bài học có thể truyền đạt sẵn mà là năng lực cần được nuôi dưỡng từ bên trong người học. Đồng thời, sự tự chủ không có nghĩa là học sinh phải tự học hoàn toàn hay không cần đến vai trò của giáo viên mà ngược lại, giáo viên cần chủ động và hành động có chủ đích, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy học sinh phát triển và nuôi dưỡng năng lực tự chủ cho bản thân, đồng thời thường xuyên lồng ghép năng lực này vào thực tiễn giảng dạy.
Ông Nguyễn Bảo Châu, Điều phối dự án, chia sẻ: “Chúng ta cần chuyển từ việc xem tự học là đọc tài liệu một mình, sang nhìn nhận sự tự chủ như một năng lực tích hợp. Tức là học sinh cần biết tự đặt mục tiêu, đánh giá tiến độ, hợp tác với bạn học và điều chỉnh phương pháp học phù hợp với bản thân”.
Thúc đẩy tự chủ ở học sinh tiểu học
Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh việc phát triển năng lực tự chủ và tự học của học sinh thông qua bồi dưỡng tính tự lập, tự điều chỉnh và tự hoàn thiện. Quá trình phát triển năng lực này diễn ra một cách có hệ thống, từ giáo dục mầm non đến giáo dục trung học, đảm bảo học sinh có được các kỹ năng nền tảng và các kỹ năng chuyển đổi, từ đó xây dựng được năng lực tự chủ và tự học.
Ông Nguyễn Bảo Châu, Điều phối dự án iPLAY, Tổ chức VVOB tại Việt Nam giới thiệu Học thông qua Chơi và sự tự chủ của học sinh.
Lấy ví dụ về mô hình thực hành tự chủ cho học sinh, một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội với hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, sĩ số mỗi lớp khoảng 25 - 30 học sinh, được vận hành với tính tự chủ cao với đặc thù độc lập về tài chính. Trường đã áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện ở cấp toàn trường, với sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh.
Tại ngôi trường này, ban giám hiệu đóng vai trò quyết định thực hiện một số sáng kiến như thành lập các cộng đồng học tập chuyên môn, nơi giáo viên chia sẻ và thảo luận về các phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp tập trung phát triển sự tự chủ của học sinh; Xây dựng cơ chế công nhận và khen thưởng những giáo viên áp dụng các sáng kiến để phát triển năng lực tự chủ và tự học của học sinh; Sắp xếp thời gian để giáo viên tự đánh giá trong kế hoạch làm việc, tạo điều kiện để giáo viên đánh giá, điều chỉnh phương pháp giảng dạy nhằm thúc đẩy sự tự chủ của học sinh.
Để đảm bảo rằng quá trình xây dựng sự tự chủ cho học sinh không chỉ giới hạn trong lớp học, nhà
trường chủ động kết nối với phụ huynh nhằm tổ chức các sự kiện do học sinh dẫn dắt, giúp phụ huynh thấy được sự tự chủ của con mình trong thực tế; Tổ chức hội thảo và chia sẻ tài liệu với phụ huynh về việc hỗ trợ phát triển năng lực tự chủ tại nhà; Xây dựng và duy trì các kênh thông tin liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh, thường xuyên chia sẻ các hướng dẫn thực tế.
Nhà trường cũng tìm cách mở rộng cơ hội phát triển năng lực tự chủ và tự học cho học sinh ra ngoài khuôn khổ lớp học thông qua việc thành lập ban cán sự bữa trưa do học sinh chủ trì, nơi các em luân phiên tổ chức lịch trình bữa ăn và đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ và hội nhóm học sinh. Ngoài ra còn cho phép học sinh tự do lựa chọn cách thể hiện kiến thức, linh hoạt thông qua thuyết trình, dự án sáng tạo hoặc bài viết thu hoạch.
Quỳnh Như
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thuc-day-ky-nang-tu-chu-cho-hoc-sinh-gan-voi-chuong-trinh-gdpt-2018-post740419.html