Sơn Động, Ba Chẽ, Đình Lập là các huyện miền núi, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao song đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển lâm nghiệp.
Đồng chí Lê Đức Thắng phát biểu tại hội nghị.
Riêng huyện Sơn Động có hơn 66 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 78% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Cơ bản diện tích rừng được giao cho người dân và chủ rừng quản lý. Để bảo vệ rừng, huyện giao trách nhiệm bảo vệ rừng cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cắm mốc ranh giới từng loại rừng, quản lý nghiêm ngặt.
Đến năm 2025, huyện phấn đấu hoàn thành cấp chứng chỉ rừng bền vững (chứng chỉ FSC) cho ít nhất 10 nghìn ha; giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 1.000 tỷ đồng, chiếm 40% giá trị ngành kinh tế nông, lâm nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động thông tin, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu chế biến thô. Huyện chưa thu hút được nhà máy chế biến gỗ thành phẩm, xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Từ việc hàng nghìn ha rừng bị ngã đổ, thiệt hại lớn ở cả 3 huyện Sơn Động, Đình Lập, Ba Chẽ vừa qua, đồng chí Lê Đức Thắng cho rằng đây là lúc quyết liệt chuyển đổi phương thức trồng rừng, thu hút đầu tư chế biến gỗ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp thay cho bán cây keo băm dăm thô như hiện nay.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận đưa ra nhiều các giải pháp trong chỉ đạo, tổ chức triển khai quản lý rừng bền vững; thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Đại biểu đề xuất thời gian tới, 3 địa phương tăng cường hợp tác, liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung lớn; thành lập hiệp hội lâm nghiệp liên vùng gồm người trồng rừng, doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến gỗ. Hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, giúp tăng giá trị kinh tế rừng trồng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Tin, ảnh: Xuân Thỏa